Chuyên gia kiến nghị đơn giản hóa thủ tục đưa lao động nước ngoài vào Việt Nam

LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI
16:51 - 17/03/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Colin Blackwell, Trưởng Nhóm Công tác nguồn nhân lực Diễn đàn BVF 2023, nêu vấn đề đưa lao động nước ngoài vào Việt Nam đang phức tạp hơn trước đây và đưa ra các kiến nghị liên quan đến kỹ năng, đầu tư và chuyển giao công nghệ quốc tế vào Việt Nam.

Doanh nghiệp nước ngoài kêu khó về thủ tục khi đưa lao động vào Việt Nam

Thị trường Việt Nam mở cửa trở lại vào đầu năm 2022. Chúng tôi đã hy vọng sẽ thấy được sự ổn định đối với một số quy trình như trước đại dịch, tương đối đơn giản và đáng tin cậy. Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra. Thủ tục về nhập cư và giấy phép lao động đặt ra các thách thức hơn nhiều so với giai đoạn bình thường cũ”, ông Colin Blackwell, Trưởng Nhóm Công tác nguồn nhân lực nêu vấn đề, tại phiên họp kỹ thuật Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên VBF 2023, ngày 17/3.

Theo ông Colin Blackwell, các doanh nghiệp đang khó khăn trong việc giữ chân lao động nước ngoài, do việc chấp thuận nhu cầu tuyển dụng và yêu cầu gia hạn giấy phép lao động làm chậm trễ trong việc đưa lao động mới vào Việt Nam. Đây là vấn đề mà các công ty tại Việt Nam đang phải đối mặt trong giai đoạn “bình thường mới”.

“Chúng tôi đã có nhiều cuộc thảo luận với lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng như một số chủ doanh nghiệp nước ngoài lâu năm, tất cả đều lo ngại trước những thách thức này”, ông Colin Blackwell nói.

Cụ thể, hầu hết thị thực công tác hiện chỉ được cấp tối đa 29 ngày. Các yêu cầu khắt khe hơn về hồ sơ chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài, giấy phép lao động và những chậm trễ phát sinh. Điều này gây ra sự thiếu linh hoạt và buộc người nước ngoài phải ra vào Việt Nam nhiều lần.

Thời gian để nhận được công văn chấp thuận thị thực hiện nay là từ 7 - 10 ngày làm việc, so với trước đại dịch chỉ khoảng 3 ngày làm việc.

"Công văn chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài, việc xin giấy phép này ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt là ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam. Trước đại dịch, thường mất khoảng 3 - 4 tuần để nhận được sự chấp thuận về nhu cầu lao động nước ngoài, bây giờ có thể mất đến 3 tháng”.

Ông Colin Blackwell, Trưởng Nhóm Công tác nguồn nhân lực

“TP HCM mất đến 3 tháng để chấp nhận lao động nước ngoài mới”

Cũng tại Diễn đàn VBF 2023, ông Colin Blackwell nêu ra một thực tế, khoảng 90% nhu cầu lao động nước ngoài mới và gia hạn của các công ty tại TP HCM đang bị Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) từ chối ở giai đoạn đầu và có thể mất tới 3 tháng để có được.

“Các thủ tục giấy tờ cần thiết trở nên rườm rà buộc các công ty phải tìm hiểu thêm về việc sử dụng lao động Việt Nam so với lao động nước ngoài. Điều này làm xáo trộn đáng kể hoạt động của các công ty do thiếu nhiều lực lượng lao động địa phương có tay nghề cao. Các yêu cầu, thời hạn xử lý và tần suất từ chối đều có xu hướng tăng lên và đã tác động đến tất cả các công ty ở bất kể quy mô nào”, ông Colin Blackwell phân tích.

Trước những khó khăn trên, cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ra các khuyến nghị để đảm bảo các thủ tục hành chính rõ ràng và thống nhất hơn. Trong đó, các doanh nghiệp đề xuất cho phép các chuyên gia nhập cư được ủy quyền bởi các công ty bảo trợ, xử lý các thủ tục hành chính. Đồng thời, làm rõ quy trình phê duyệt lao động nước ngoài được thuận lợi, dễ dàng hơn.

“Phát triển xanh và bền vững liên quan đến kỹ năng, đầu tư và chuyển giao công nghệ quốc tế vào Việt Nam. Để điều này diễn ra một cách hiệu quả, quy trình đưa các chuyên gia và lao động nước ngoài có tay nghề cao đến Việt Nam cần được hợp lý và đơn giản hóa”, Colin Blackwell nhấn mạnh.

Phản hồi về vấn này, đại diện Bộ LĐTB&XH có mặt tại diễn đàn cho biết, Bộ LĐTB&XH đã có công văn chỉ đạo gửi tới các tỉnh, đặc biệt là TP HCM, đề nghị các địa phương thực hiện theo đúng định hướng đã nêu, tạo thuận lợi cho lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Đại diện Bộ LĐTB&XH thông tin, vừa qua, ngày 7/3, TP HCM đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp nước ngoài và có công văn trả lời bằng văn bản nêu rõ sẽ giảm thời gian chấp thuận nhu cầu lao động nước ngoài vào Việt Nam và đơn giản hóa thủ tục, quy trình.

Tin liên quan

Đọc tiếp