Blue Aspirations: Công nghệ LiDAR thế hệ mới - lựa chọn tối ưu cho khảo sát, đo gió ngoài khơi

ĐIỆN GIÓ Đo gió
07:41 - 06/03/2023
Hình ảnh thiết bị đo gió nổi FLiDAR của Blue Aspirations
Hình ảnh thiết bị đo gió nổi FLiDAR của Blue Aspirations
0:00 / 0:00
0:00
Công tác đo đạc, khảo sát , đánh giá tài nguyên năng lượng gió là quy trình đầu tiên, bắt buộc, đóng vai trò tiên quyết giúp các nhà phát triển có cơ sở tính toán, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một dự án điện gió.

Điện gió ở Việt Nam thuộc nhóm công nghiệp năng lượng mới nổi, được nhập cuộc theo xu hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo chung của thế giới và khu vực.

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và gió, do ở gần xích đạo và tồn tại những vùng khô nắng nhiều và gió, có hướng tương đối ổn định đặc biệt là các tỉnh Nam Trung Bộ.

Điện gió ngoài khơi tại Việt Nam hiện đang được rất nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm. Đến nay, đã có hơn 50 đề xuất khảo sát, đo gió từ phía các chủ đầu tư gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới, văn bản quy định chưa đầy đủ nên hiện Bộ đang tạm dừng cấp phép để hoàn thiện cơ sở pháp lý.

Công tác đo đạc, khảo sát, đánh giá tài nguyên năng lượng gió là quy trình đầu tiên, bắt buộc, đóng vai trò tiên quyết giúp thu thập thông tin và tài nguyên chuẩn xác, cung cấp dữ liệu đầu vào quan trọng để các nhà phát triển có cơ sở tính toán, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một dự án điện gió.

Ông Lifen Song, Tổng Giám đốc Công ty Giang Tô Blue Aspirations phát biểu tại Hội nghị cấp cao lần thứ 6 về điện gió trên bờ, ngoài khơi và lưu trữ năng lượng.

Bên lề Hội nghị cấp cao lần thứ 6 về điện gió trên bờ, ngoài khơi và lưu trữ năng lượng, diễn ra tại Hà Nội mới đây, Mekong - ASEAN đã trao đổi với ông Lifen Song, đồng sáng lập và là Tổng Giám đốc Công ty Giang Tô Blue Aspirations – đơn vị cung cấp thiết bị đo gió nổi ngoài khơi của Trung Quốc, tìm hiểu về vai trò của hệ thống đo gió nổi trong quá trình phát triển dự án điện gió ngoài khơi.

Mekong – ASEAN: Tác động, vai trò của hệ thống đo gió đối với một dự án điện gió ngoài khơi như thế nào, thưa ông?

Ông Lifen Song: Các kết quả khảo sát đo gió là dữ liệu đầu vào quan trọng để nhà đầu tư tính toán thông số cơ bản khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của các dự án.

Khi phân tích địa điểm tiềm năng để thực hiện một trang trại điện gió, các nhà phát triển cần cân nhắc tác động của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt cùng với tần suất và mức độ nghiêm trọng của chúng đối với tuabin.

Ví dụ như, tải trọng gió có thể làm phát sinh hỏng hóc cấu trúc của tuabin nếu không được giải quyết đúng mức. Tốc độ gió cao, cường độ nhiễu loạn và thay đổi hướng đột ngột có thể tác động đáng kể đến lực đẩy của rotor tuabin, công suất, mô men xoắn và tốc độ rotor được tạo ra… rất nhiều biến số khác nữa.

Các nhà phát triển dự án luôn đưa ra yêu cầu về chiến lược kiểm soát phù hợp để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn và đây sẽ là bước đầu tiên quan trọng vì tính quyết định và ảnh hưởng của nó tới hiệu quả của cả dự án sau này.

Mekong – ASEAN: Hiện nay có những công nghệ dùng để đo gió như thế nào, thưa ông?

Ông Lifen Song: Có 3 cách phổ biến để tiến hành khảo sát, đo gió: Lắp đặt trạm đo gió cố định ngoài khơi (chủ yếu dùng để khảo sát gió ở vùng biển nông, gần bờ), lắp đặt thiết bị đo gió trên các địa điểm có sẵn ngoài khơi như hải đăng, giàn khoan dầu khí, đảo… và sử dụng phao nổi.

Các dự án điện gió ngoài khơi thường sử dụng thiết bị đo gió bằng công nghệ LiDAR (Light Detection and Ranging). Đây là hệ thống đo xa tiên tiến nhất hiện nay với ưu điểm gọn nhẹ, dễ triển khai, cung cấp dữ liệu tin cậy nhằm thiết lập các bản đồ gió và cung cấp dữ liệu tin cậy cho việc đánh giá tiềm năng gió, xác định sản lượng điện tiềm năng của một khu vực, cũng như xác định cấu hình, số lượng tuabin gió phù hợp.

Trong các phương pháp trên thì sử dụng phao nổi đo gió (Floating LiDAR – FLiDAR) có khả năng giảm đáng kể chi phí lắp đặt so với cột đo gió cố định do ưu điểm dễ lắp đặt, khả năng tái sử dụng và độ chính xác cao. Đối với các dự án ngoài khơi xa bờ và không có các địa điểm có sẵn ngoài khơi thì đây là lựa chọn tối ưu.

Mekong – ASEAN: Ông có thể nói cụ thể hơn về hệ thống phao nổi đo gió không? Phao nổi ngoài biển khơi có thể gặp nhiều bất trắc khó lường, vậy giải pháp giảm thiểu rủi ro là gì?

Ông Lifen Song: Phao nổi FLiDAR triển khai tại các môi trường ngoài khơi phức tạp và hoạt động liên tục trong thời gian kéo dài từ 12 – 24 tháng, hoặc lâu hơn mà không được bảo dưỡng thường xuyên. Các phao FLiDAR thường được neo giữ bởi vật nặng dưới đáy biển, kết nối phao và neo giữ là dây cáp chuyên dùng có tính chịu lực siêu bền. Ngoài ra, để đảm bảo độ tin cậy của dữ liệu, các phao nổi FLiDAR sẽ được sản xuất và kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế.

Vị trí triển khai Movelaser FLiDAR. Ảnh: Blue Aspiration.

Tuy nhiên, hệ thống phao nổi cũng có những rủi ro vì chính tính chất “nổi” trên mặt nước của nó. Mỗi vùng biển có đặc điểm địa hình, thời tiết, khí hậu khác nhau, theo đó những rủi ro cũng khác nhau. Những vấn đề phao nổi đo gió thường gặp phải là bị hỏng/chìm do đâm va với tàu thuyền, bão tố, cạn kiệt pin năng lượng dùng cho thiết bị hoạt động, gián đoạn/mất số liệu…

Vì vậy, để tránh được rủi ro này, Blue Aspirations đã thiết kế công nghệ để phát triển mạnh ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất.

Giải pháp công nghệ và thiết kế thiết bị của chúng tôi hướng đến sự an toàn, độ tin cậy, sự chính xác và khả năng phục hồi dữ liệu. Dựa trên dữ liệu thô, thuật toán bù chuyển động đảm bảo dữ liệu đạt độ chính xác cao nhất có thể.

Các tấm pin năng lượng mặt trời và tuabin gió đảm bảo tính sẵn sàng cao của hệ thống với mức bảo trì tối thiểu. Lấy dự phòng là cốt lõi của thiết kế, tất cả các cảm biến lõi trong FLiDAR của chúng tôi đều dự phòng và hệ thống được định cấu hình để gắn 2 LiDAR.

Dữ liệu được mã hóa hoàn toàn và lưu trữ an toàn với nhiều bản sao lưu tích hợp liền mạch cho tất cả các thành phần chính.

FLiDAR được thiết kế để không bao giờ chìm, ngay cả khi nó bị va đập, hư hỏng hoặc mắc kẹt trong lưới đánh cá và nước vô tình tràn vào bên trong. Cấu trúc FLiDAR được thiết kế nắp kép trong cấu hình tiêu chuẩn để chống lại các điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất và các mối nguy hiểm khác.

Đặc biệt, phiên bản mới nhất của chúng tôi có thêm bộ khung bảo vệ lớn để tránh va đập với tàu thuyền, thiết kế ăng ten để giảm thiểu việc mất số liệu do sự va chạm gây nên. Để có thêm khả năng phục hồi, thân ụ nổi cũng kết hợp một đối trọng lớn và lực nổi còn lại giúp giảm thiểu nguy cơ lật úp hoặc chìm.

Ngoài rủi ro đâm va và bão tố, còn có những thách thức lớn khác đối với sự bền vững của hệ thống FLiDAR như nguồn điện không đủ, lỗi cảm biến… Những thách thức đó tồn tại ở hầu hết mọi quốc gia có ứng dụng FLiDAR.

Chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp và nâng cấp sản phẩm để khắc phục được những sự cố ngoài ý muốn đó.

Mekong – ASEAN: Trên thị trường hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực với Blue Aspirations?

Ông Lifeng Song: Đây là lĩnh vực công nghệ mới, khá chuyên sâu nên độ cạnh tranh không nhiều lắm và hiện ở Trung Quốc chỉ có 3 công ty.

Blue Aspirations là công ty khởi nghiệp trong ngành hẹp này. Chúng tôi tập hợp các kỹ sư phần mềm, viễn thông và chuyên gia trong ngành năng lượng và đã cho ra mắt sản phẩm đầu tiên với mục đích thử nghiệm năm 2019. Giữa năm 2020, chúng tôi ra mắt phiên bản thứ 2 và bắt đầu sản xuất đại trà. Và đến nay là thế hệ thứ 3 với nhiều cải tiến hơn so với 2 phiên bản trước.

Công nghệ FLiDAR của chúng tôi đã được cấp bằng sáng chế, triển khai tại các địa điểm phát triển trang trại gió ngoài khơi tiềm năng để thu thập và xử lý dữ liệu khí tượng và gió có giá trị.

Hệ thống FLiDAR của Blue Aspirations được lắp đặt trong thời gian ngắn, chi phí rất cạnh tranh và đảm bảo độ chính xác cao cũng như an toàn về thông tin thu thập.

Ngoài phương châm đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, hệ thống FLiDAR của Blue Aspirations có độ chính xác và sẵn sàng dữ liệu lên tới trên 97%. Đây là con số rất cao trên thị trường cung cấp FLiDAR.

Chúng tôi có thể giao hàng trong thời gian tối đa 45 ngày, kể từ khi nhận được đơn đặt hàng. Thời gian thiết bị ra khỏi nhà máy, vận chuyển bằng đường biển đến khi lắp đặt hoàn chỉnh chỉ mất khoảng 30 ngày nếu điều kiện thời tiết tại địa điểm dự án thuận lợi.

Tổng thời gian để thiết bị sẵn sàng hoạt động chỉ khoảng 2,5 tháng, trong khi có những đơn vị phải mất từ 6-8 tháng để triển khai.

Hiện, chúng tôi sản xuất toàn bộ hệ thống tại Trung Quốc, nhưng nếu ở nước sở tại của dự án có nguồn tham chiếu phù hợp, chúng tôi cũng có thể thực hiện tại đó. Tính đến thời điểm hiện tại, Blue Aspirations đã sản xuất 28 FLiDAR và 24 chiếc được triển khai.

Tháng 2 năm ngoái, chúng tôi ký thỏa thuận khung hợp tác chiến lược với Tập đoàn Orsted trên phạm vi toàn cầu. Để đạt được khung hợp tác này, Orsted đã tiến hành đánh giá năng lực toàn bộ quy trình công nghệ, kỹ thuật, tiềm lực tài chính của Blue Aspirations. Quá trình kiểm tra đánh giá đó được thực hiện trong thời gian 6 tháng và kết quả là bản thỏa thuận đã được ký kết.

Tất cả những điều trên chính là minh chứng cụ thể cho mức độ cạnh tranh của chúng tôi.

Mekong – ASEAN: Blue Aspirations đặt kỳ vọng gì khi hợp tác và phát triển tại thị trường Việt Nam?

Ông Lifen Song: Hiện Blue Aspiration đang mở rộng sang các thị trường như Philippine, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Brazil, châu Âu. Tại các thị trường này chúng tôi đều có đối tác và cộng sự hỗ trợ sự phát triển, đảm bảo cung cấp dịch vụ nhanh nhất, tốt nhất cho khách hàng.

Đại diện Công ty Blue Aspiration và các đối tác tại Hội nghị.

Đại diện Công ty Blue Aspiration và các đối tác tại Hội nghị.

Tại Việt Nam, chúng tôi đang hợp tác với Công ty Triệu Hà và Công ty WPOAM về phân phối sản phẩm và dịch vụ sau bán hàng, bảo hành sản phẩm cũng như phát triển thị trường.

Trong tương lai, khi lĩnh vực điện gió ngoài khơi phát triển và định hình, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các cơ quan của Việt Nam cũng như các đối tác, các nhà phát triển dự án.

Tin liên quan

Đọc tiếp