WHO cảnh báo nguy cơ bùng dịch sởi trở lại trên toàn cầu

Dịch sởi THẾ GIỚI
12:46 - 24/11/2022
Đại dịch Covid-19 khiến công tác tiêm phòng dịch sởi bị ảnh hưởng, khiến 25 triệu trẻ em dễ mắc bệnh hơn. Ảnh: NBC News
Đại dịch Covid-19 khiến công tác tiêm phòng dịch sởi bị ảnh hưởng, khiến 25 triệu trẻ em dễ mắc bệnh hơn. Ảnh: NBC News
0:00 / 0:00
0:00
Theo cảnh báo hôm 23/11 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), ngày càng nhiều trẻ em trên thế giới có nguy cơ mắc bệnh sởi do tỷ lệ tiêm phòng vaccine giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.

CNBC trích dẫn báo cáo ngày 23/11 của WHO và CDC cho biết kể từ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng việc tiêm phòng vaccine cho các bệnh phổ biến.

Công tác tiêm phòng dịch sởi cũng nằm trong số bị ảnh hưởng. Việc tiêm phòng vaccine sởi thường bao gồm 2 mũi, tuy nhiên mũi đầu tiên là mũi quan trọng nhất vì nó có hiệu quả phòng bệnh tới 93%. Liều đầu tiên được tiêm cho trẻ từ 12 tháng đến 15 tháng và liều thứ 2 được tiêm cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi.

Tuy nhiên vào năm 2021, các số liệu chỉ ra rằng chỉ có khoảng 81% trẻ em trên toàn thế giới được tiêm liều vaccine sởi đầu tiên. So với mức 86% của năm 2019, con số này đã giảm đáng kể. Cũng chính vì sự sụt giảm này, 25 triệu trẻ em không được tiêm phòng đứng trước nguy cơ dễ mắc phải bệnh sởi hơn. Trong khi đó theo các ước tính của các chuyên gia y tế công cộng, ít nhất 95% trẻ em cần phải được tiêm vaccine đầy đủ để ngăn dịch sởi bùng phát.

Điều này có thể khiến tất cả các thành tựu mà thế giới đã đạt được trong vòng 2 thập kỷ qua trong việc đẩy lùi dịch sởi trở về điểm xuất phát. Theo các báo cáo của WHO và CDC, các ca tử vong do bệnh này đã giảm tới 83% từ mức 761.000 ca vào năm 2000 xuống chỉ còn 128.000 ca vào năm 2021 trên phạm vi toàn cầu nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine tăng mạnh.

Tuy nhiên do tỷ lệ tiêm phòng giảm mạnh trong vòng 2 năm Covid-19 vừa qua, Giám đốc CDC Mỹ - Tiến sĩ Rochelle Walensky và Giám đốc WHO - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, bày tỏ lo ngại rằng dịch sởi có thể quay trở lại. Các quốc gia tiên tiến nơi dịch sởi đã bị xóa bỏ từ lâu cũng không nằm ngoài nguy cơ bùng dịch trở lại.

Ví dụ như Mỹ, quốc gia đã chính thức loại bỏ bệnh sởi hơn 20 năm qua. Nếu một khách du lịch mang theo virus này vào Mỹ, tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng chưa đủ cao tại đây hoàn toàn có thể khiến bùng phát dịch bệnh trở lại.

2 mũi vaccine sởi có thể phòng được bệnh tới 97%. Ảnh: iStock

2 mũi vaccine sởi có thể phòng được bệnh tới 97%. Ảnh: iStock

Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nhất được ghi nhận trên con người. Nó gây nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng cho trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 20 tuổi, phụ nữ mang thai và những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương.

Virus sởi lây lan qua đường không khí, cụ thể là thông qua các giọt dịch khi người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Các triệu chứng bắt đầu bằng sốt cao có thể lên tới hơn 40 độ C, ho và sổ mũi. Sau đó, các đốm trắng xuất hiện bên trong miệng và phát ban các đốm đỏ khắp cơ thể.

Theo CDC, bệnh sởi dễ lây lan đến mức một người bị nhiễm bệnh sẽ truyền bệnh cho 90% những người tiếp xúc gần với họ. Một khi nhiễm bệnh, virus sởi cũng để lại các biến chứng nghiêm trọng.

Nghiên cứu của CDC cũng chỉ ra rằng cứ 5 người chưa được tiêm phòng sởi thì sẽ có 1 người phải nhập viện. Ngoài ra, cứ 20 trẻ chưa được tiêm phòng sởi thì có 1 trẻ bị viêm phổi, 3 trong 1.000 trẻ bị sưng não và cứ 1.000 trẻ thì có 3 trẻ tử vong do các biến chứng hô hấp hoặc thần kinh.

Đọc tiếp