Thúc đẩy liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long về du lịch

DU LỊCH ĐBSCL
18:42 - 21/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, cùng những tài nguyên văn hoá hết sức phong phú. Vì vậy, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mong muốn 13 địa phương của vùng sẽ phát triển được những sản phẩm văn hoá, du lịch đặc trưng riêng.

Sáng 21/6, tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trình bày báo cáo về thế mạnh và khả năng thúc đẩy liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long về văn hóa, thể thao, du lịch đến năm 2030.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có hơn 300 năm hình thành và phát triển. Ở góc độ văn hoá, vùng đất này có văn hoá đậm đặc và mang bản sắc riêng của vùng.

Văn hóa châu thổ, văn minh sông nước, văn hoá vật thể, phi vật thể đa dạng, văn hoá Óc Eo của người Việt cổ, của các dân tộc Khmer, Chăm, Việt cùng sinh sống, chia sẻ, giao lưu. Đó chính là văn hoá sông nước, miệt vườn, làng nghề, ẩm thực.

Đồng bằng sông Cửu Long còn là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, trong đó có 9 di tích quốc gia đặc biệt, 204 di tích cấp quốc gia, 618 di tích cấp tỉnh. Đây là những tài nguyên văn hoá hết sức phong phú, đa dạng, giàu có. Điểm nhấn cho văn hóa của vùng còn là Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại. Những giá trị này tạo ra sự giữ gìn, kết nối và phát triển với hiện đại.

"Chúng ta phải phát huy, tôn tạo, giữ gìn, kết nối để phát triển văn hoá vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, sản phẩm du lịch là sản phẩm mang dấu ấn văn hoá mà vùng phải có những dấu ấn riêng"

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các địa phương khi triển khai đồ án cần tập trung nhiều hơn, cụ thể hoá để kết nối được hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao và du lịch, nằm trong tổng thể quy hoạch chung của vùng. Từ đó, tạo ra các sản phẩm đặc sắc riêng có của từng địa phương, để 13 địa phương đều có sản phẩm văn hoá đặc trưng riêng của mình.

Người đứng đầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu ra một số gợi mở, ví dụ sản phẩm Con đường di sản, Liên hoan đờn ca tài tử, ẩm thực dân gian của miền Đông Nam Bộ…

"Phải bắt đầu từ cái cụ thể thì mới tạo ra sức lan toả, có hướng phát triển chiều sâu, để chợ nổi, làng nghề, du lịch miệt vườn… luôn mang đậm dấu ấn văn hoá của một vùng đất Đông Nam Bộ. Đưa văn hoá trở thành động lực tinh thần góp phần vào sự phát triển của đồ án quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long".

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Tin liên quan

Đọc tiếp