Thủ tướng: Phát triển kinh tế xanh tránh tình trạng 'tăng trưởng trước, dọn dẹp sau'

Tăng trưởng xanh Việt nAM
16:01 - 19/03/2023
Ảnh: Quách Sơn
Ảnh: Quách Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, cũng là vấn đề toàn cầu, do đó mục tiêu quan trọng là cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh trong thời gian tới.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 ngày 19/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn rất thiết thực, trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", phát triển dựa vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đồng thời, xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, dựa vào khoa học và công nghệ để phát triển đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. An sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng-an ninh được củng cố, đối ngoại và hội nhập tiếp tục được mở rộng, tăng cường.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài năm 2022 đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, Việt Nam đã tham gia vào 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với gần 60 nền kinh tế trên thế giới, trong đó có 15 FTA đã được ký kết và 2 FTA đang trong quá trình đàm phán.

Thủ tướng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 - Ảnh: Quách Sơn

Thủ tướng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 - Ảnh: Quách Sơn

3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực

Chia sẻ với các đại biểu về các nền tảng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Quan điểm xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho sự phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Một cách cụ thể, Thủ tướng lý giải, Việt Nam xác định nguồn lực bên trong gồm con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài gồm thể chế, tài chính, công nghệ, quản trị tiên tiến và trình độ nguồn nhân lực là quan trọng và đột phá.

Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.

Về thể chế, Việt Nam tập trung rà soát các vướng mắc pháp lý, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.

Về kết cấu hạ tầng, Việt Nam tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, chuẩn bị phát triển đường sắt tốc độ cao, xây dựng các sân bay, cảng biển, đường thủy nội địa; hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu... từ đó góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp, hàng hóa.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp; chú trọng đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao.

Thủ tướng cho rằng, đây là những các giải pháp căn cơ, lâu dài để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận. Tuy nhiên, theo quy luật, các hoạt động kinh doanh có lúc thuận lợi nhưng cũng có lúc khó khăn, điều quan trọng nhất là về tổng thể, lâu dài, nhà đầu tư bảo toàn được vốn, mở rộng được sản xuất, kinh doanh, đạt được lợi nhuận.

Tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn và quan trọng

Chia sẻ thêm về chủ đề của Diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh tăng trưởng xanh cũng là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 2021-2030.

Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành một chiến lược dựa trên 3 trụ cột chính là kinh tế, xã hội, môi trường, và bảy định hướng lớn.

Thứ nhất, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Trong quá trình này, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn. Song, tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, cũng là vấn đề toàn cầu, do đó mục tiêu quan trọng là cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh trong thời gian tới.

Thứ hai, tập trung vào cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, sử dụng nền tảng khoa học và công nghệ để phát triển, tập trung vào ba đột phá chiến lược để phát triển nền kinh tế.

Thứ ba, việc phát triển kinh tế xanh phải được triển khai ở các cấp, các ngành, các địa phương, cấp quốc gia, cấp khu vực, cấp vùng, gắn phát triển xanh quốc gia với khu vực và quốc tế. Phương châm là chuyển đổi tư duy, cách tiếp cận để ứng xử với các nhiệm vụ phát triển kinh tế xanh từng giai đoạn.

Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau" và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thứ năm, tăng trưởng xanh cần lộ trình phù hợp, tính tới điều kiện, năng lực khác nhau, bảo đảm tính khả thi ở từng vùng, từng địa phương, doanh nghiệp. Việt Nam nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện cam kết của mình nhưng cũng cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế liên quan tới vấn đề tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị, thị trường.

Thứ sáu, khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh.

Thứ bảy, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung, trên tinh thần lợi ích hài hoà rủi ro chia sẻ, có những vấn đề cụ thể phải kiên trì giải quyết.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển

Cũng tại diễn đàn, nhấn mạnh những khó khăn, thách thức phải đối mặt thời gian tới còn nhiều, Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn, "các khó khăn lâu dài thì có giải pháp lâu dài, khó khăn trước mắt thì có giải pháp trước mắt".

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ về tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Quan tâm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, người lao động và các bên liên quan.Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, chuyển giao công nghệ, đào tạo, phát triển nhân lực...

Cùng với đó, phát triển đồng bộ các loại thị trường như thị trường hàng hóa và dịch vụ, tài chính - tiền tệ, chứng khoán; quyền sử dụng đất, bất động sản, khoa học - công nghệ, lao động, mua sắm công… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận bình đẳng.

Giải quyết các vấn đề liên quan visa, giấy phép lao động theo hướng thuận lợi nhất

Về một số vấn đề, kiến nghị cụ thể của các hiệp hội, doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan visa, giấy phép lao động theo hướng thuận lợi nhất. Các cơ quan cũng đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… và các quy định liên quan.

Về thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Chia sẻ thêm về những quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Thủ tướng cho biết Việt Nam có tiềm năng lớn và cần phát triển ngành công nghiệp trong lĩnh vực này.

Vừa qua, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được triển khai có hiệu quả nhưng có dấu hiệu phát triển nóng, có những dự án không đúng với quy hoạch, quy định hiện hành, giá cả không phù hợp.

Do đó, các bên phải ngồi lại, đàm phán lại về giá điện trên tinh thần không để ai thiệt thòi, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện nền kinh tế và thu nhập của người dân.

Mặt khác, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp và sẽ khuyến khích cơ chế này trong thời gian tới. Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý với các khoản vay kéo dài hơn và lãi suất giảm đi.

"Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để đạt được mục tiêu đề ra, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh, bảo đảm lợi ích hài hòa các bên", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đọc tiếp