Thủ tướng giao 12 nhiệm vụ cho Bộ KH&ĐT trong năm 2023

KH&ĐT CHÍNH PHỦ
15:01 - 04/01/2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị sáng 4/1. Ảnh: MPI.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị sáng 4/1. Ảnh: MPI.
0:00 / 0:00
0:00
"Ngành kế hoạch đầu tư và thống kê trong năm 2022 đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành khối lượng công việc nhiều, yêu cầu cao, thời gian có hạn và mong mỏi hy vọng lớn từ Chính phủ", Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tổng kết về Bộ KH&ĐT.

Sáng 4/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT). Sau khi nghe báo cáo của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng đã giao cho Bộ các nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2023.

Làm tốt nhiệm vụ nắn dòng đầu tư công, điều phối vĩ mô

Nhận định vai trò xuyên suốt của Bộ KH&ĐT từ khi thành lập đến nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sự phát triển của ngành KH&ĐT mang tính ổn định với lịch sử 77 năm.

"Trong thành tích chung của đất nước, có vai trò, nỗ lực cao của Bộ KH&ĐT. Dù công việc nhiều, yêu cầu cao, thời gian có hạn, mong mỏi hy vọng lớn, số lượng lãnh đạo ít, chỉ có 1 Bộ trưởng, 3 Thứ trưởng, nhưng Bộ đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm qua”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Đánh giá kết quả Bộ KH&ĐT đã làm được trong năm qua, Thủ tướng nhìn nhận, Bộ KH&ĐT đã bám sát, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước để thực hiện vai trò của cơ quan tổng hợp tham mưu cấp chiến lược, cơ quan đầu mối, điều phối điều hành kinh tế vĩ mô, có sản phẩm cụ thể, hiệu quả lượng hóa được.

Báo cáo tổng kết của Bộ tuy đã đầy đủ nhưng chưa nói hết được những gì mà ngành KH&ĐT đã làm được. Bộ đã nắm rõ được tình hình kinh tế - xã hội đất nước để tham mưu kịp thời, đầy đủ, trúng và đúng về: an sinh xã hội, y tế, hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp.

“Kịp thời kiến tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thông qua các cuộc đối thoại, cùng lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng để thúc đẩy tổng đầu tư xã hội tăng nhanh”, Thủ tướng đánh giá.

Cùng với đó, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ KH&ĐT đã làm tốt hơn công tác tham mưu, hoàn thiện thể chế liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: Chương trình hành động của Chính phủ về định hướng, giải pháp phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội; trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua 3 Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho: Cần Thơ, Khánh Hòa, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ ra một điểm Bộ KH&ĐT đã làm tốt mà chưa có trong báo cáo tổng kết, đó là Bộ góp phần hạn chế dàn trải trong đầu tư công, cắt giảm gần 5.000 dự án manh mún, chia cắt, không mang lại hiệu quả để dành cho những dự án có trọng tâm trọng điểm, nắn dòng đầu tư công đi đúng đường hướng.

Bộ đảm nhiệm vai trò cơ quan đầu mối trong quan hệ với Lào. Trước đây, các dự án hợp tác với Lào gặp tình trạng dở dang, nhưng nay đã nhìn ra được các nhiệm vụ làm được, các nhiệm vụ có cơ hội làm được, các nhiệm vụ chưa làm được, tác động đặc biệt đến tình hữu nghị Việt – Lào.

Lãnh đạo Bộ đã trăn trở suy nghĩ về việc phát huy trung tâm đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp bên trong và bên ngoài. Với những kết quả trên, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương thành tích của Bộ và toàn ngành KH&ĐT trong năm 2022.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, công tác của ngành KH&ĐT và thống kê vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác tham mưu chiến lược, phản ứng chính sách.

“Bộ cần phát huy trách nhiệm hơn nữa trong sử dụng hiệu quả nguồn lực Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển, xây dựng cơ chế, thể chế thúc đẩy hợp tác công – tư, công tác truyền thông chính sách, công tác triển khai các quy hoạch, công tác giải ngân, giám sát đầu tư công…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Bộ KH&ĐT trong thành tựu chung của đất nước. Ảnh: MPI.

Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Bộ KH&ĐT trong thành tựu chung của đất nước. Ảnh: MPI.

12 nhiệm vụ trọng tâm

Nói về các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&ĐT trong năm 2023, Thủ tướng đề nghị ngành phát huy hơn nữa những kết quả đã làm được trong năm 2022 và khắc phục hạn chế, đóng góp vào mục tiêu chung của đất nước xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Thứ nhất, là cơ quan tham mưu chiến lược, Thủ tướng đề nghị Bộ theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và thế giới, nhận diện rõ thời cơ, thách thức, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng kịch bản để kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp kịp thời, với các chiến lược dài hạn để ứng phó với biến động thế giới.

Thứ hai, làm tốt hơn công tác chủ động tham mưu, xây dựng thể chế hóa các chủ trương đường lối của Đảng, thể chế hóa pháp luật của Nhà nước để triển khai thực hiện, tháo gỡ vướng mắc.

Nhắc lại yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả, Thủ tướng nhấn mạnh, đây cũng là nhiệm vụ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3/1.

Thứ ba, thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và phát triển các mô hình kinh tế mới: Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng năng suất lao động.

Trong năm 2023, Chính phủ sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất Trung tâm đổi mới sáng tạo Láng Hòa lạc, Bộ KH&ĐT cần học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới cho Trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam và có cơ chế thúc phù hợp.

Thứ tư, Thủ tướng yêu cầu Bộ đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực đang quản lý, với tiêu chí “càng nhiều càng quý”.

Thứ năm, tiếp tục tham mưu xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước phù hợp, hiệu quả.

Thứ sáu, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Năm 2022, Việt Nam vượt thu 392.000 tỷ, phân bổ cho tiền lương, chính sách an sinh còn lại là tập trung cho đầu tư phát triển. Mục tiêu đến năm 2030 có 5.000 km cao tốc để tạo không gian, động lực phát triển mới cho đất nước. Muốn đạt được mục tiêu đó, cần sự thống nhất về mặt tư tưởng từ địa phương đến Trung ương.

Thứ bảy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực, giám sát đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

Thứ tám, công tác thống kê phải đúng – đủ - sống – sạch để hình thành cơ sở dữ liệu hoạch định chính sách. Số liệu thống kê phải như tai, mắt của Đảng và Nhà nước.

Thứ chín, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu mối hợp tác liên Chính phủ giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, "giúp bạn là giúp mình".

Thứ mười, làm tốt công tác truyền thông chính sách. Vấn đề truyền thông chính sách quan trọng nhưng cần tạo ra chất liệu để truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Khó khăn lúc nào cũng có nhưng khi truyền thông tốt sẽ có được sự ủng hộ tránh nghi ngờ, oán trách. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác truyền thông chính sách theo tinh thần "nói được làm được, đi vào lòng người".

Thứ mười một, thực hiện vai trò phối hợp hiệu quả, chặt chẽ, nhịp nhàng, khẩn trương với các Bộ/ngành, tạo đầu ra cho các phương án thực hiện.

Thứ mười hai, làm tốt công tác xây dựng Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, liêm chính, dân chủ.

Tin liên quan

Đọc tiếp