'Thời điểm tốt nhất để đầu tư chứng khoán chính là ngay bây giờ'

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
14:31 - 02/12/2022
Ông Nguyễn Duy Anh - Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư của VCBF.
Ông Nguyễn Duy Anh - Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư của VCBF.
0:00 / 0:00
0:00
Theo chuyên gia, phần lớn doanh nghiệp đứng đầu các ngành đều đang có định giá rất rẻ. P/B của nhiều doanh nghiệp dưới 1, ROE 10-15%. Dòng tiền lớn đã và đang giải ngân.

Đánh giá về tình hình vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán tại chương trình talkshow Chọn Danh mục sáng 2/12, ông Nguyễn Duy Anh - Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) nhận định Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 0,5% trong đợt tới, vì lạm phát của Mỹ đã giảm.

Theo ông Duy Anh, đến tháng 6-7/2023, lạm phát của Mỹ sẽ giảm mạnh, vì nước này so sánh 12 tháng gần nhất, tức là so tháng 6/2023 với tháng 6/2022 – giai đoạn giá năng lượng tăng mạnh. Mặc dù lạm phát không thể về mức 2% nhưng không thể cao như hiện nay nên áp lực tăng lãi suất của Fed nửa cuối 2023 không cao, đỉnh lãi suất có thể đạt khoảng 4,5-4,75% vào đầu năm 2023.

Thị trường chứng khoán luôn chạy trước các chính sách vĩ mô. Vì vậy, ông Duy Anh cho rằng, kỳ vọng giảm tăng lãi suất và lãi suất tăng của Fed thấp hơn kỳ vọng của nhà đầu tư thì chứng khoán sẽ tích cực.

Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Invesment Banking (MSVN) chỉ ra rằng, chỉ số USD đã giảm dần từ 2 tuần gần đây, áp lực tỷ giá hạ nhiệt dần. Vì vậy, yếu tố tỷ giá có thể bỏ qua trong nửa đầu năm sau, nhưng một vấn đề cần quan tâm của lãi suất là lạm phát.

Theo vị chuyên gia, lạm phát không phải vấn đề của năm nay, ít nhất là nửa năm sau Nhà nước sẽ phải theo dõi sát sao vấn đề này. Nếu đến tháng 6/2023, lạm phát được kiểm soát trong mức cho phép thì sẽ có không gian để Ngân hàng Nhà nước chấp nhận chính sách nới lỏng, trong đó bao gồm giảm lãi suất và nới room tín dụng trong nửa cuối năm.

Về triển vọng doanh nghiệp, ông Thành cho rằng, doanh nghiệp đang phải đối mặt với 2 vấn đề là thanh khoản và chi phí vốn. Thanh khoản do gặp biến động trong thị trường trái phiếu. Lãi suất trái phiếu tăng 25% bình quân, thậm chí tăng 50-80% là biểu hiện gián đoạn về thanh khoản. Trong khi cổ phiếu chưa phải kênh dẫn vốn chính, trái phiếu mới phát triển, ngân hàng chính là kênh cấp vốn chủ đạo cho doanh nghiệp, nhất là thanh khoản ngắn hạn.

Vị chuyên gia cho rằng trong 1 tháng còn lại của năm 2022, các doanh nghiệp phải tự cân nguồn vốn, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, như gom, bán tài sản để đáp ứng thanh khoản trong ngắn hạn, hoặc đàm phán với chủ nợ tái cơ cấu các khoản thanh toán.

Giải pháp trung hạn trong 3-6 tháng thì sẽ có room tín dụng cho năm mới. Còn cho cả năm 2023, vị chuyên gia đánh giá thị trường trái phiếu chưa thể phục hồi, ngân hàng vẫn phải đóng vai trò chính nên Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ít nhất 14%, rộng hơn là 14-16%.

Đồng thời theo ông Thành, cơ quan quản lý cần điều chỉnh chính sách để ngân hàng đóng vai trò như nhà tạo lập trên thị trường trái phiếu.

Thông tư 16 trong giai đoạn vừa rồi hạn chế ngân hàng tham gia vào việc mua trái phiếu doanh nghiệp, như có điều kiện không được mua trái phiếu của doanh nghiệp có nợ xấu tại các ngân hàng trong 12 tháng trước khi phát hành. Điều này có phần hạn chế. Như giai đoạn Covid, cả doanh nghiệp tốt và không tốt đều bị ảnh hưởng. Nếu doanh nghiệp được ngân hàng đánh giá có hoạt động kinh doanh ổn định, có khả năng phục hồi thì nên để ngân hàng được phép tham gia, chủ động đánh giá rủi ro để mua trái phiếu. Ông Quản Trọng Thành

Nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy cơ hội

Về thị trường cổ phiếu, ông Quản Trọng Thành cho rằng thời điểm tháng 4, VN-Index điều chỉnh do ảnh hưởng từ một sự kiện, thông thường thời gian điều chỉnh do sự kiện chỉ kéo dài từ 3-6 tháng. Như giai đoạn giảm giá do Covid cũng là điều chỉnh do sự kiện.

Mặt khác, khi thị trường bước vào điều chỉnh theo chu kỳ với đặc điểm lãi suất tăng, thì việc lãi suất tăng kéo dài bao lâu sẽ phản ánh thị trường giảm đến mức nào. Theo thống kê trong lịch sử thì nếu nhanh sẽ khoảng 6 tháng, còn lâu thì khoảng 12 tháng. Sau 6 tháng lãi suất cao, lợi nhuận doanh nghiệp ảnh hưởng. Kinh tế suy thoái, Chính phủ sẽ phải có chính sách điều chỉnh nới lỏng.

“Kịch bản tốt ở chu kỳ lãi suất tăng ngắn, mức điều chỉnh theo định giá ở 900-950 là hợp lý, tương ứng định giá 10 lần P/E. Còn ở kịch bản chu kỳ dài với lãi suất ở mức cao kéo dài cả năm sau, thị trường ở mức 870 điểm là hợp lý, tức P/E khoảng 9 lần. Đợt vừa rồi, sau khi nhúng xuống 874 điểm VN-Index đã bật lại, cho thấy đã phản ánh vào giá những lo ngại”, ông Thành nhận định.

Một điểm cần chú ý nữa, theo ông Thành là khi VN-Index nhúng xuống 874 điểm, dòng tiền nước ngoài đã vào mạnh, tức là họ nhìn thấy cơ hội. Điều này sẽ giúp thị trường tìm lại cơ hội cân bằng và phục hồi niềm tin. Còn trong quá trình đi lên, việc nhà đầu tư chốt lời là hoàn toàn bình thường. Đây cũng là áp lực để kiểm chứng xem đáy 974 có vững không, nếu đáy sau cao hơn đáy trước thì chứng tỏ tâm lý vững hơn.

Với thị trường hiện tại, vị chuyên gia khuyến nghị đầu tư không nên theo đám đông, theo sự hưng phấn mà phải đánh giá cơ bản, tìm ra định giá doanh nghiệp mạnh, tìm cơ hội đầu tư tài sản. Về tín hiệu đầu tư ngắn hạn, theo ông Thành, phải nhìn vào chi phí vốn, lợi suất trái phiếu điều chỉnh, phần tiền bơm ra từ các ngân hàng… Còn để tạo thành cơn sóng dài thì phải đợi chu kỳ chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.

VN-Index bật lên sau khi nhúng xuống vùng 874 điểm.

VN-Index bật lên sau khi nhúng xuống vùng 874 điểm.

Theo ông Nguyễn Duy Anh, đây là giai đoạn VN-Index khá rẻ so với lịch sử, là lần thứ 3 xuống mức 10 lần. Vì vậy, thời điểm tốt nhất để đầu tư chính là ngay bây giờ. “Trong dài hạn nếu nhìn vào đồ thị sẽ chỉ nhìn thấy VN-Index đi lên. Với thị trường Mỹ cũng vậy, S&P500 chỉ có một đường đi lên. Còn những nhịp điều chỉnh chỉ là chấm nhỏ trên cả đồ thị”, vị chuyên gia cho biết.

Ông Duy Anh đánh giá, phần lớn doanh nghiệp đứng đầu các ngành đều đang có định giá rất rẻ. P/B, nhiều doanh nghiệp dưới 1, ROE 10-15%. Dòng tiền lớn đã và đang giải ngân, quan trọng là kích hoạt dòng tiền đầu tư cá nhân. Làm thế nào để khơi thông nguồn vốn này vì tỷ lệ số tài khoản chứng khoán trên người dân tại Việt Nam vẫn thấp.

Bên cạnh đó là các quỹ hưu trí. Trong khi tại nhiều nước trên thế giới, phần lớn quỹ hưu trí tham gia vào thị trường chứng khoán thì Việt Nam vẫn chưa ghi nhận sự tham gia của các quỹ này.

Tin liên quan

Đọc tiếp