Sửa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Tránh tình trạng 'trồng rau hai luống, lợn hai chuồng'

Tiêu dùng QUỐC HỘI
21:21 - 05/04/2023
 Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum - Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
ĐBQH đề xuất bổ sung quy định phát hiện, ngăn chặn hàng hóa không đủ tiêu chuẩn ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đặc biệt là những sản phẩm, hàng hóa mà người tiêu dùng sử dụng hàng ngày như lương thực, thực phẩm.

Ngày 5/4, Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến về dự án Luật này tại hội nghị, đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc hoàn thiện dự thảo Luật. Đại biểu bày tỏ thống nhất việc bổ sung quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức chứ không phải chỉ là cá nhân như dự thảo luật trình xin ý kiến trước đây.

Về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu cho rằng nội dung này đã được tiếp thu, bổ sung nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng phải được thực hiện sớm, kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng, theo đại biểu Phạm Đình Thanh, ngoài các nội dung dự thảo Luật quy định, cần thiết bổ sung thêm quy định cơ quan Nhà nước, tổ chức trong trường hợp cụ thể phải có trách nhiệm giám sát, phát hiện, ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn hành vi sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có thể gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng hoặc gây thiệt hại về kinh tế của người tiêu dùng…

Đặc biệt là những sản phẩm, hàng hóa mà người tiêu dùng sử dụng hàng ngày như lương thực, thực phẩm. Ví dụ như hành vi sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn, tình trạng "trồng rau hai luống, lợn hai chuồng"; tình trạng bơm nước, tạp chất vào thịt, cá, tôm để đưa đi tiêu thụ để xuất hiện rất nhiều.

Đại biểu dẫn chứng, thời gian qua, trong thực tế đã xảy ra vụ việc người tiêu dùng, nhất là công nhân, học sinh khu công nghiệp, trường học đã trở thành nạn nhân của các hành vi này.

Đại biểu cho rằng, những hành vi này nếu được phát hiện, ngăn chặn từ sớm trong quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển thì những sản phẩm hàng hóa này sẽ không đến tay người tiêu dùng và sẽ không gây thiệt hại đối với người tiêu dùng như xảy ra thời gian vừa qua.

Cấm chia sẻ thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa được đồng ý

Cũng tại phiên thảo luận, góp ý về các hành vi bị cấm của dự thảo luật, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị bổ sung thêm quy định: Cấm hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ các trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển giao thông tin được thu thập phù hợp với quy định của luật này và pháp luật có liên quan cho bên thứ ba lưu trữ, hoặc phân tích nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của bên chuyển giao và hai bên đã thỏa thuận bằng văn bản về việc bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng theo quy định của luật này.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Tại Khoản 3, Điều 18 dự thảo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng thông tin của người tiêu dùng chính xác, phù hợp với mục đích, phạm vi đã thông báo và phải được người tiêu dùng đồng ý.

Đại biểu Dương Khắc Mai cho biết, Luật An toàn thông tin mạng và Thông tư số 20 ngày 12/9/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra yêu cầu về nghĩa vụ thông báo của bên kiểm soát dữ liệu hoặc chủ sở hữu hệ thống dữ liệu khi có sự cố hoặc hành vi xâm phạm dữ liệu xảy ra.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại nội dung quy định tại dự thảo luật, nhằm đảm bảo sự tương thích, thống nhất nội dung trong các văn bản pháp luật có liên quan.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát quy định các nội dung liên quan đến giao dịch điện tử như giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng cho phù hợp, thống nhất với các quy định tại dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang lấy ý kiến.

Đọc tiếp