Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao kỷ lục

DOANH NGHIỆP Việt nAM
13:32 - 29/07/2022
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao kỷ lục
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục thống kê, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 44.301 doanh nghiệp, cao hơn cả tổng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong một năm của giai đoạn từ 2017 - 2021.

Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố số liệu tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng năm 2022 ghi nhận, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm nhẹ 0,7% so với tháng 6/2022. Tuy nhiên tính chung 7 tháng năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 9%.

Cụ thể, về doanh nghiệp thành lập mới, theo GSO, giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong tháng 7, cả nước có gần 13.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 123.900 tỷ đồng, tăng 2,4% và số lao động đăng ký gần 106.200 lao động, tăng 37,6% so với tháng 6/2022.

Nếu so với tháng 7/2021, tăng 50,7% về số doanh nghiệp, tăng 1% về số vốn đăng ký và tăng 49% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,4 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2022, cả nước có 89.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.006.100 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 621.000 lao động, tăng 17,9% về số doanh nghiệp, giảm 5,6% về vốn đăng ký và tăng 11,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm 2022 đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu vẫn thuộc nhóm ngành dịch vụ với 65.700 doanh nghiệp, chiếm 73,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có 22.468 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 25,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngược lại, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản lại ghi nhận sự sụt giảm nhẹ với 1.239 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 1,4% tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Về doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong tháng 7, cả nước có 2.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,2% so với tháng trước và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 7 tháng đầu năm, có 44.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2022 lên 133.700 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2022 cao hơn số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong một năm của giai đoạn trước đây. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong các năm 2017; 2018; 2019; 2020 và 2021 lần lượt là 26.448; 34.010; 39.421; 44.096 và 43.116.

Theo GSO, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó phải kể đến các lĩnh vực đã chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua: Hoạt động dịch vụ khác (1.264 doanh nghiệp, tăng 212,9%); Giáo dục và đào tạo (1.108 doanh nghiệp, tăng 68,4%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.575 doanh nghiệp, tăng 54,9%)...

Về doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, trong tháng 7, có 5.285 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 3% so với tháng trước và tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021. Có 4.416 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 14,2% và tăng 12,3%.

Lũy kế 7 tháng năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 56.000 doanh nghiệp, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước; 28.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,6%

Về doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, có 1.767 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,7% và tăng 22,5%. Xét chung 7 tháng đầu năm, gần 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 9%.

Doanh nghiệp lạc quan triển vọng kinh doanh quý III/2022

Cũng theo số liệu điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, các doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III năm 2022 với 85% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý II năm 2022.

Trong đó, ngành dịch vụ được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nhờ du lịch trong nước tiếp tục phát triển mạnh; Nhu cầu trong nước phục hồi nhờ thu nhập của người dân cao hơn và VAT giảm 2% (kéo dài đến hết năm 2022).

Bên cạnh đó, 8 đề án chính sách thuế, phí phát sinh đột xuất được Vụ Chính sách thuế đề xuất 6 tháng đầu năm cũng được cho là đã tạo hiệu ứng mạnh với nền kinh tế, bao gồm: chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí cho người dân và doanh nghiệp cùng chính sách giảm thuế "hạ nhiệt" giá xăng dầu...

Quan trọng hơn là Chính phủ thúc đẩy các gói hỗ trợ kinh tế bao gồm gói bù lãi suất bổ sung 40.000 tỷ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công sẽ thuận lợi hơn trong 6 tháng cuối năm do giá một số vật liệu xây dựng như sắt thép đã hạ nhiệt trong thời gian gần đây.

Tin liên quan

Đọc tiếp