Phương Tây viện trợ cho Ukraine bằng 95% ngân sách quốc phòng Nga năm 2022

chiến sự Nga - Ukraine
16:58 - 11/01/2023
0:00 / 0:00
0:00

Theo tính toán của hãng tin TASS, giá trị số khí tài quân sự mà các quốc gia phương Tây viện trợ cho Ukraine trong hơn 10 tháng chiến sự qua gần bằng ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2022. 

Ước tính Ukraine đã nhận được 48,5 tỷ USD viện trợ quân sự từ phương Tây kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2/2022. Con số này bằng 95% chi tiêu quốc phòng năm 2022 của Nga (khoảng 51,1 tỷ USD).

Tổng viện trợ (bao gồm viện trợ quân sự và nhân đạo) mà chính phủ Kiev được phương Tây và các tổ chức quốc tế hỗ trợ kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào khoảng 150,8 tỷ USD.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết "tiềm năng và năng lực quân sự của gần như tất cả các thành viên chính của NATO đang được sử dụng một cách tích cực" để “chống lại Nga”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho rằng Moscow đang chiến đấu ở Ukraine không phải chống lại lực lượng Kiev, mà là chống lại “toàn bộ tập thể phương Tây”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh:

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh:

Trong cuộc họp báo ngày 10/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc Mỹ và NATO đã tham gia vào cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine mặc dù là gián tiếp, thông qua việc "bơm cho Kiev đầy đủ vũ khí, chia sẻ công nghệ và dữ liệu tình báo".

"Cả NATO và Mỹ chắc chắn đang tham gia vào cuộc xung đột này, mặc dù gián tiếp, thông qua nước được ủy quyền", ông Peskov nói. Quan chức này lập luận, ngay cả khi Washington và Brussels đều khẳng định họ không có ý định tham gia vào cuộc xung đột, "nhưng thực tế là họ đã trở thành một bên gián tiếp".

"Sự tham gia của họ vào cuộc xung đột này là rõ ràng", ông Peskov nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng dòng vũ khí mà phương Tây chuyển giao ngày càng lớn hơn, cũng như tăng cường huấn luyện quân đội Ukraine.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, phương Tây đã cam kết viện trợ cho Ukraine để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến và bù đắp cho những tổn thất nặng nề trên chiến trường.

Trong đó, Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Kiev kể từ xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Washington tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp trang thiết bị và khí tài quân sự để giúp Ukraine giành ưu thế trên chiến trường, từ đó có vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán.

Mỹ sẽ gửi xe chiến đấu bộ binh Bradley cho Ukraine. Ảnh: Sputnik

Mỹ sẽ gửi xe chiến đấu bộ binh Bradley cho Ukraine. Ảnh: Sputnik

Bên cạnh hệ thống tên lửa phòng không Patriot, quốc gia này gần đây cho biết sẽ gửi xe chiến đấu bộ binh Bradley, tên lửa chống tăng BGM-71 TOW, thiết giáp M113 cùng nhiều loại đạn pháo khác.

Mới đây, Pháp và Đức đều có kế hoạch chuyển giao khí tài hạng nặng cho Ukraine. Trong đó, Pháp đã đồng ý cung cấp xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC cho Ukraine, đồng thời trao đổi với Kiev về việc huấn luyện binh sĩ. Chính phủ Đức cũng cam kết chuyển giao xe chiến đấu bộ binh Marder và tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine.

Trong khi đó, Moscow đã nhiều lần kêu gọi phương Tây ngừng "bơm" vũ khí cho Kiev, cho rằng việc tiếp tục viện trợ sẽ chỉ kéo dài chiến sự và gây thêm đau khổ cho người dân hơn là thay đổi kết quả cuối cùng của cuộc xung đột. Nước này cũng tuyên bố coi những vũ khí viện trợ mà Kiev nhận được là sẽ mục tiêu hợp pháp để tấn công hoặc thu giữ.

Tin liên quan

Đọc tiếp