OPEC+ cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, giá dầu tăng trở lại

dầu mỏ THẾ GIỚI
07:35 - 06/10/2022
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman Al-Saud cùng Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman Al-Saud cùng Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong thông báo chính thức hôm 5/10, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ cho biết sẽ cắt giảm tổng cộng 2 triệu thùng dầu/ngày, gây ra một trong những xung đột lợi ích lớn nhất với phương Tây, trong khi Mỹ gọi hành động này là “thiển cận”.

Theo Reuters trích dẫn nhà lãnh đạo của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC là Saudi Arabia, việc cắt giảm sản lượng sâu ở mức 2 triệu thùng/ngày là phù hợp với tình hình hiện tại. Chính phủ quốc gia xuất khẩu dầu số một thế giới cho biết việc cắt giảm 2% nguồn cung toàn cầu là cần thiết để đối phó với việc phương Tây tăng lãi suất và nền kinh tế toàn cầu suy yếu hơn.

Ngoài ra, quốc gia này cũng bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc thông đồng với Nga, một thành viên quan trọng của OPEC+, để có thể đẩy giá dầu lên cao hơn. Theo đại diện của Saudi Arabia, phương Tây thường dựa vào sự “giàu có và kiêu ngạo” khi chỉ trích tổ chức này.

Việc cắt giảm nguồn cung dầu được quyết định sau cuộc họp tại Vienna hôm 5/10 này rất có thể sẽ khiến giá dầu đang trên đà giảm phục hồi trở lại ngưỡng 120 USD/thùng của 3 tháng trước. Trước đó do tỷ lệ lạm phát tăng vọt và tỷ lệ đồng thuận thấp trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ, Mỹ đã liên tục kêu gọi Saudi Arabia, đồng minh lâu năm của nước này, giúp hạ giá bằng cách tăng sản lượng.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết OPEC+ cần phải hành động tích cực vì các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới chuyển sang các chính sách diều hâu một cách “muộn màng” để giải quyết lạm phát tăng vọt.

Thêm vào đó, quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng là dựa trên số liệu cơ sở hiện có. Điều này có nghĩa là mức cắt giảm trên thực tế sẽ ít hơn vì OPEC+ vốn đang bị chậm hơn khoảng 3,6 triệu thùng/ngày so với mục tiêu sản lượng trong tháng 8.

Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết mức cắt giảm thực tế sẽ là 1,0-1,1 triệu thùng/ngày trong khi các nhà phân tích từ Jefferies ước tính con số này ở mức 0,9 triệu thùng/ngày. Goldman Sachs lại đưa ra mức dự đoán khác là 0,4-0,6 triệu thùng/ngày do việc cắt giảm chủ yếu đến từ các nhà sản xuất OPEC vùng Vịnh như Saudi Arabia, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và Kuwait.

Theo dự kiến, cuộc họp OPEC+ tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 4/12 và sau đó tổ chức này sẽ chuyển sang nhóm họp 6 tháng một lần thay vì các cuộc họp hàng tháng. Ngay sau tin tức này, dầu thô Brent chuẩn tăng trên 93 USD/thùng hôm 5/10.

Để phản ứng lại, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden rất thất vọng trước quyết định “thiển cận” của OPEC+ trong việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất. Việc này sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn nữa trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải đối phó với tác động tiêu cực liên tục từ căng thẳng tại Ukraine.

Ngoài ra, Nhà Trắng cũng cho biết thêm Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục đánh giá liệu nước Mỹ có nên phát hành thêm dầu từ các kho dự trữ dầu chiến lược để hạ giá thị trường hay không. Trước đó, ông Biden đã đến Riyadh nhưng không đảm bảo được bất kỳ cam kết hợp tác vững chắc nào về năng lượng. Thêm vào đó, mối quan hệ thậm chí ngày càng căng thẳng khi Saudi Arabia không lên án hành động của Moscow ở Ukraine.

Vì vậy ngoài nguyên nhân lạm phát, một phần lý do quan trọng khiến Washington muốn giá dầu giảm chính là để tước đi nguồn thu từ dầu mỏ của Moscow.

Phương Tây và đặc biệt là Mỹ vẫn luôn cáo buộc Nga đang vũ khí hóa năng lượng, khiến giá khí đốt tăng vọt và gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông tại châu Âu. Trong khi đó, Moscow cáo buộc phương Tây vũ khí hóa đồng USD và các hệ thống tài chính như cơ chế thanh toán quốc tế SWIFT.

Tin liên quan

Đọc tiếp