Nhen nhóm niềm tin trái phiếu doanh nghiệp

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
06:13 - 17/11/2023
Nhen nhóm niềm tin trái phiếu doanh nghiệp
0:00 / 0:00
0:00
Trong dài hạn trái phiếu vẫn là một công cụ quan trọng và cần thiết trong việc đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thời điểm cách đây khoảng một năm, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) xảy ra hàng loạt vụ án có liên quan đến phát hành trái phiếu tại các doanh nghiệp như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát...

Trải qua một năm, những sách lược của nhà điều hành, cơ quan chức năng, tâm huyết của giới chuyên gia, nỗ lực của các doanh nghiệp đã đưa thị trường TPDN dần dần đi qua áng mây mù.

Trong báo cáo thị trường trái phiếu tháng 10/2023 mới phát hành, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) dẫn số liệu tổng hợp từ HNX và SSC cho biết, có 18 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 10/2023, tổng giá trị 20.826 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu giá trị lớn trong tháng 10 gồm CTCP Vinhomes (5.000 tỷ đồng), Ngân hàng Quốc Tế VIB (4.500 tỷ đồng), Ngân hàng Á Châu (3.900 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và phát triển năng lượng Trung Nam (2.239 tỷ đồng), Công ty TNHH Quản lý đầu tư Thiên An (2.146 tỷ đồng), CTCP Sài Gòn Capital (1.000 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP An Bình (1.000 tỷ đồng)…

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 209.150 tỷ đồng, bằng 78% cả năm ngoái. Trong đó, ngành ngân hàng chiếm phần lớn với 99.023 tỷ đồng, nhóm bất động sản với 68.256 tỷ đồng.

Đối với sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, tính đến ngày 31/10 thị trường đã tiếp nhận và đưa vào giao dịch 451 mã trái phiếu của 114 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt khoảng 336.768 tỷ đồng.

Về quy mô giao dịch, tính đến hết phiên giao dịch 31/10/2023, tổng trị giá giao dịch toàn thị trường đạt 49.392 tỷ đồng; bình quân giao dịch đạt 676,6 tỷ đồng/phiên.

Trong cuộc trò chuyện với Mekong ASEAN về triển vọng phát triển của thị trường TPDN, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá, những con số này cho thấy trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn quan trọng với doanh nghiệp.

Phân tích kỹ vào những con số thống kê, theo vị chuyên gia này có 3 tín hiệu quan trọng trên thị trường.

Thứ nhất, phát hành TPDN mới tăng, các doanh nghiệp rậm rịch phát hành trái phiếu mới, huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ. Nếu như quý 2/2023, khối lượng phát hành bình quân khoảng 3.000 tỷ đồng/tháng, sang quý 3, khối lượng phát hành bình quân khoảng 35.000 tỷ đồng/tháng.

Thứ hai, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong cơ cấu TPDN mới phát hành, đa phần các đợt phát hành đến từ nhóm ngân hàng, chiếm hơn 47% tỷ trọng. Việc các ngân hàng tích cực phát hành trái phiếu trong quý 3/2023 cũng nhằm đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 34% xuống 30%, áp dụng từ ngày 1/10/2023 theo Thông tư 08/2020.

Đáng nói, nhóm ngành bất động sản xếp thứ hai, có tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 68.256 tỷ đồng, chiếm 32,6%, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số này cho thấy, trái phiếu bất động sản được "hâm nóng" trở lại, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn. Chỉ tính riêng trong quý 3/2023, có ít nhất 10 doanh nghiệp bất động sản công bố huy động vốn thành công thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ, với tổng giá trị khoảng 27.000 tỷ đồng.

Thứ ba, theo phân tích của vị chuyên gia này, trên thị trường, hoạt động đàm phán kéo dài thời gian trả nợ giữa các tổ chức phát hành và trái chủ vẫn diễn ra khá sôi động. Dẫn số liệu từ VNDirect, tính đến ngày 3/10, đã có hơn 50 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX. Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 95.200 tỷ đồng.

"Sự ấm lên của thị trường TPDN là hiệu ứng tích cực của loạt chính sách của Chính phủ nhằm ổn định và hỗ trợ kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế này thời gian qua", TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ thị trường TPDN phục hồi và phát triển một cách bền vững, lành mạnh. Trong đó, đáng chú ý là sự ra đời của Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ về quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

Cùng với đó là hoãn một năm việc thi hành các quy chế mới về phát hành trái phiếu (yêu cầu doanh nghiệp phải xếp hạng tín nhiệm, yêu cầu thực thi các tiêu chuẩn về nhà đầu tư chuyên nghiệp, cho phép doanh nghiệp có nợ xấu được phép gia hạn thêm 2 năm) và cho phép sử dụng tài sản khác để tất toán giá trị của TPDN.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn ban hành thông tư cho phép ngân hàng thương mại mua lại TPDN mà ngân hàng đã bán để hỗ trợ cho thanh khoản của thị trường.

Tuy vậy, từ góc nhìn của TS. Lê Xuân Nghĩa, thị trường TPDN vẫn còn những yếu tố cần lưu ý.

"Dẫu biết có những tín hiệu tích cực, nhưng phải nhìn nhận, hầu hết các phát hành mới này đều để tái cấu trúc nợ, và tình trạng này sẽ vẫn còn tiếp diễn, nhất là khi khối lượng nợ vẫn còn nhiều và không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng trả nợ đúng hạn", TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Đồng thời, không nên quá kỳ vọng doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Gần như toàn bộ khối lượng trái phiếu trong những năm gần đây không có bóng dáng khu vực sản xuất trực tiếp như công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, nông nghiệp hay thương mại mà phần nhiều tới ngành bất động sản.

Chưa kể, nỗi lo đáo hạn trái phiếu những tháng cuối năm là áp lực đã hiện hữu. Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) trong bản kiến nghị mới nhất gửi Bộ Tài chính, quý 4 là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu của cả năm nay với tổng giá trị lên đến 65.500 tỷ đồng. Gần 80% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Còn theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), hai tháng cuối năm ước tính có hơn 41.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong số đó, có 16 mã chậm trả lãi và gốc với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng và 47 mã trái phiếu được gia hạn hoặc thay đổi lãi suất.

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp chọn tập trung đàm phán kéo dài thời gian, thay vì mua lại trái phiếu đến hạn. Theo VBMA, trong tháng 10, các doanh nghiệp mua lại 13.645 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Còn hoạt động thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu ghi nhận hơn 60 tổ chức phát hành thực hiện thành công và đã báo cáo lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến ngày 27/10. Theo VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được gia hạn kể trên là khoảng 107.000 tỷ đồng.

Xếp hạng tín nhiệm - câu trả lời cho niềm tin

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, để thị trường TPDN có nền tảng phát triển ổn định thì việc trước tiên cần làm là phải minh bạch, càng minh bạch thì rủi ro càng thấp.

Từ góc độ các doanh nghiệp, cần có trách nhiệm đến cùng trong việc thanh toán nợ, gốc cho nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp.

Từ góc độ cơ quan chức năng, cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp lý để làm rõ một số nội dung liên quan đến phát hành TPDN riêng lẻ; quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hay việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường, tăng cường chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm để bảo vệ và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.

Tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát các giao dịch TPDN để các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức cung cấp dịch vụ tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia vào thị trường.

"Cuối cùng, từ quan điểm cá nhân, theo tôi với việc phát hành trái phiếu không cần quá đề cao tài sản đảm bảo mà quan trọng nhất đối với TPDN là xếp hạng tín nhiệm", TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

XÂY DỰNG VĂN HÓA VỀ TÍNH MINH BẠCH VÀ CHUYÊN NGHIỆP

Xếp hạng tín nhiệm thị trường là một yếu tố vô cùng quan trọng, không phải câu chuyện một sớm một chiều, mà là cả quá trình xây dựng và hình thành văn hóa về tính chuyên nghiệp, minh bạch của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có khả năng tiếp cận thị trường vốn tốt hơn, với một chi phí vốn thấp hơn, thời gian tiếp cận vốn ngắn hơn và quy mô vốn huy động sẽ được nhiều hơn.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Nhìn chung, thị trường TPDN đã có những nhịp chậm lại thời gian qua để đi về đúng quỹ đạo, để chạy vào đúng đường ray. Trong dài hạn trái phiếu vẫn là một công cụ quan trọng, chủ chốt và rất cần thiết trong việc đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kỳ vọng mới cho năm 2024

Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của VIS Rating cũng kỳ vọng khi tình trạng chậm trả trái phiếu giảm dần và các quy định chặt chẽ hơn về phát hành TPDN có hiệu lực, tâm lý thị trường sẽ được cải thiện. Theo đó, khối lượng phát hành sẽ hồi phục nhẹ.

"Trong năm 2024, hầu hết các ngành vẫn sẽ đối mặt với thách thức do nền kinh tế tăng trưởng yếu, tỷ lệ đòn bẩy vay nợ cao và nhu cầu tái cấp vốn lớn. Chúng tôi kỳ vọng các chính sách giảm lãi suất gần đây và các biện pháp hỗ trợ cấp vốn cho doanh nghiệp sẽ giúp giảm bớt áp lực thanh khoản mà các tổ chức phát hành trái phiếu đang phải đối mặt. Đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bất động sản, xây dựng và năng lượng tái tạo", báo cáo nêu.

Đơn vị này cũng cho biết số trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới đã đạt đỉnh vào quý 1/2023 và sẽ giảm bớt trong năm 2024 nhờ Nghị định 08/2023 cho phép sử dụng các cơ chế mới để khắc phục hoặc tránh tình trạng chậm trả của trái phiếu.

"Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tổ chức phát hành chủ động đàm phán trước với các trái chủ để tránh rơi vào tình trạng chậm trả gốc/lãi. Gia hạn trái phiếu tiếp tục là lựa chọn khả thi nhất để tránh rơi vào tình trạng chậm trả gốc/lãi hoặc để tiếp tục khắc phục chậm trả cho trái chủ.

Bước sang năm 2024, thị trường TPDN sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng chặt chẽ hơn khi bắt đầu áp dụng nhiều yêu cầu nghiêm ngặt đối với tất cả các bên liên quan", VIS Rating nhận định.

Đọc tiếp