Năm 2022, thu ngân sách ước đạt 1,46 triệu tỷ đồng

THUẾ NGÂN SÁCH
08:59 - 16/12/2022
Năm 2022, thu ngân sách ước đạt 1,46 triệu tỷ đồng
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt hơn 1,46 triệu tỷ đồng, vượt đến 24,3% so với dự toán, tương đương mức thu vượt 285.200 tỷ đồng.

Thu thuế dự kiến vượt 24,3% so với dự toán

Thông tin được Tổng cục Thuế cho biết tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023 vừa được tổ chức chiều 15/12 cho biết, ngành thuế thu ngân sách ước đạt 1,46 triệu tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán pháp lệnh, tức vượt 285.200 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2021.

Trong đó thu nội địa vượt 240.500 tỷ đồng, ước đạt gần 1,39 triệu tỷ đồng, bằng 121% dự toán pháp lệnh. Số thu thuế, phí nội địa cũng vượt 149.657 tỷ đồng và tăng 5,3% so với thực hiện năm 2021.

Có 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán, đặc biệt 3 khoản thu lớn từ khu vực sản xuất, kinh doanh như khu vực doanh nghiệp Nhà nước (115,7%), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (108,1%), công thương nghiệp ngoài quốc doanh (116,3%).

Có 16/19 khu vực khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 như: khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 8,7%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,5%, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 1,4%, thuế thu nhập cá nhân tăng 24,6%,...

Có 63/64 đơn vị thu đều hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán. Trong đó, 2 thành phố lớn là TP HCM và TP Hà Nội đã cán mốc thu trên 300 nghìn tỷ đồng. Thu từ khối doanh nghiệp lớn do Cục Thuế doanh nghiệp lớn quản lý dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ cán đích trên 245 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, có 8 địa phương cán mốc trên 30.000 tỷ đồng gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp 174.000 tỷ đồng tiền thuế

Cũng theo Tổng cục Thuế, năm 2022, toàn ngành Thuế đã tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 174.000 tỷ đồng.

Trong đó, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% theo Nghị định số 15 của Chính phủ khoảng 20.040 tỷ đồng. Giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13 ngày 31/12/2021 và Nghị quyết số 20 ngày 11/7/2022 khoảng 1.906 tỷ đồng. Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.

Giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa theo Nghị quyết số 18 từ ngày 1/4/2022. Giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 20 từ ngày 11/7/2022 ước khoảng 26.307 tỷ đồng.

Ngành thuế cũng gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP khoảng 96.316 tỷ đồng; gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 32 ngày 21/5/2022 của Chính phủ khoảng 9.603 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành thuế cũng đã giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 120 khoảng 900 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp