Khí đốt tự nhiên dần lên ngôi tại Việt Nam thay cho than

LNG asean
17:48 - 04/05/2022
Một nhà máy LNG đang được xây dựng ở Việt Nam. Ảnh: PetroVietnam Gas
Một nhà máy LNG đang được xây dựng ở Việt Nam. Ảnh: PetroVietnam Gas
0:00 / 0:00
0:00
Khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG đang dần trở thành một lựa chọn hàng đầu cho Việt Nam trong nỗ lực loại bỏ than và bắt kịp xu hướng xanh hóa của khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới.

Vào tháng 3 vừa qua, Samsung C&T - công ty xây dựng đa quốc gia trực thuộc tập đoàn Samsung - đã công bố hợp đồng xây dựng nhà máy điện sử dụng nhiên liệu LNG đầu tiên của Việt Nam với công ty Lilama. Nhà máy 1.500 MW này sẽ được vận hành bởi PetroVietnam Gas, một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo đúng kế hoạch, nhà máy này sẽ có thể đi vào hoạt động năm 2024 hoặc 2025.

Ngoài dự án này, Việt Nam cũng đang có kế hoạch xây dựng hơn 20 dự án nhà máy điện LNG khác trên toàn quốc. Trong số đó, tập đoàn Tokyo Gas và công ty thương mại Nhật Bản Marubeni đang có kế hoạch xây dựng một cơ sở trị giá 1,5 tỷ USD tại tỉnh Quảng Ninh. Một tập đoàn khác là tập đoàn năng lượng Nhật Bản JERA cũng đang để mắt đến một nhà máy điện LNG và một cảng vận chuyển ở miền Bắc Việt Nam.

Theo Nikkei Asia, việc gia tăng các dự án điện LNG tại Việt Nam xuất phát từ cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hồi tháng 11/2021 trong việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam đang sản xuất khoảng một nửa lượng điện bằng than đá do nguồn nhiên liệu này rẻ hơn và cũng dễ tiếp cận hơn, tuy nhiên lại không thân thiện với môi trường.

Tuy khí đốt cũng là nhiên liệu hóa thạch, nó chỉ tạo ra lượng phát thải bằng một nửa so với than đá và là một hướng đi tiềm năng để cắt giảm carbon. Ngoài Việt Nam, các dự án LNG tại các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang chứng kiến sự gia tăng tích cực. Khu vực với hơn 650 triệu người này đang trên đà thúc đẩy nhập khẩu LNG với Nam Á trong bối cảnh nhiều quốc gia cần đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng.

Tại Philippines, công ty con First Gen của tập đoàn bất động sản Lopez Group, đang hợp tác với Tokyo Gas trong một dự án LNG ngoài khơi. Trong khi đó tại Thái Lan, một số công ty đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này từ năm 2011. Công ty điện Gulf Energy Development cùng công ty thương mại Nhật Bản Mitsui & Co. đang xây dựng một nhà máy điện LNG và khí đốt tự nhiên với công suất 2500 MW. Cơ sở trị giá 1,3 tỷ USD này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2023 và cung cấp điện cho Cơ quan Phát điện Thái Lan theo hợp đồng 25 năm.

Giữa xu hướng này, khu vực ASEAN cũng đang tồn tại những mối lo ngại về giá nhiên liệu gia tăng. Tại châu Á, giá LNG đã tăng gần 5 lần trong năm 2021 và vẫn đang có xu hướng tiếp tục gia tăng. Với các căng thẳng chưa có hồi kết tại châu Âu, mức giá năng lượng có khả năng cao sẽ không thể trở lại như trước trong thời gian ngắn.

Do đó, các nhà cung cấp điện tại Đông Nam Á có khả năng sẽ gặp khó với các hợp đồng bất lợi. Trong khi đó, việc chuyển giá cả tăng cao lên người tiêu dùng lại mang lại nhiều rủi ro hơn so với các thị trường phát triển như Châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc.

Cùng với ASEAN, các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng ngày càng nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hơn. Trong 1 thập kỷ qua, lượng nhập khẩu LNG của khu vực này đã tăng gấp đôi với việc Trung Quốc chính thức vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu cùng các thị trường khác như Đài Loan và Hàn Quốc.

Đọc tiếp