Giá dầu cọ tăng sau khi Indonesia công bố chính sách mới

Dầu cọ Indonesia
13:18 - 08/02/2023
Giá dầu cọ tăng sau khi chính phủ Indonesia công bố tăng tỷ lệ pha trộn nhiên liệu làm từ dầu cọ trong nhiên liệu sinh học từ 30% lên 35%. Ảnh: Reuters
Giá dầu cọ tăng sau khi chính phủ Indonesia công bố tăng tỷ lệ pha trộn nhiên liệu làm từ dầu cọ trong nhiên liệu sinh học từ 30% lên 35%. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi chính phủ Indonesia gia tăng tỷ lệ dầu cọ trong nhiên liệu sinh học, thị trường dầu cọ thế giới được dự đoán sẽ tiếp tục trải qua các biến động trong chưa đầy một năm sau khi lệnh cấm xuất khẩu của nước này đẩy giá dầu cọ quốc tế tăng vọt.

Dầu cọ là loại dầu thực vật được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Các ứng dụng của nó trải dài từ thực phẩm cho tới mỹ phẩm, biến nó thành một thành phần không thể thiếu trong nhiều ngành công nghiệp. Quốc gia đóng vai trò quan trọng nhất trong việc sản xuất và xuất khẩu dầu cọ là Indonesia.

Tuy nhiên hồi tháng 4/2022, chính phủ nước này đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này để ưu tiên thị trường trong nước trong bối cảnh nguồn cung nội địa không ổn định và tỷ lệ lạm phát cao. Nguồn cung dầu cọ toàn cầu ngay lập tức chịu ảnh hưởng và khiến giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia tăng vọt lên mức 1.680 USD/tấn, gần với mức cao nhất mọi thời đại.

Sau đó một tháng, Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, khiến thị trường ổn định hơn và giúp giá dầu cọ giảm mạnh xuống mức 744,45 USD/tấn hồi cuối tháng 9/2022. Dù vậy, sự ổn định này không duy trì được lâu khi nó bắt đầu leo thang vào mùa đông năm 2023 và hiện đang dao động quanh mức 884 USD/tấn.

Nguyên nhân tới từ việc chính phủ Indonesia đang muốn gia tăng tỷ lệ pha trộn nhiên liệu làm từ dầu cọ trong nhiên liệu sinh học từ 30% lên 35%. Động thái này nằm trong chương trình B35 được thiết kế giúp Indonesia cắt giảm khí thải nhà kính và giảm sự phụ thuộc của đất nước vào dầu thô nhập khẩu.

Do sử dụng nhiều dầu cọ hơn trong nhiên liệu sinh học, khả năng xuất khẩu của Indonesia sẽ sụt giảm. Theo Nikkei Asia trích dẫn dự báo của Hiệp hội Dầu cọ Indonesia, các lô hàng dầu cọ xuất khẩu năm 2023 của nước này có khả năng sẽ giảm khoảng 20% so với mức hơn 30 triệu tấn năm 2022.

Tuy nhiên ông Airlangga Hartarto, bộ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế, cho biết chương trình B35 của Indonesia sẽ không "làm gián đoạn nguồn cung cần thiết cho tiêu thụ thực phẩm".

Động thái tăng tỷ lệ pha trộn dầu cọ cũng có thể tới từ một mục tiêu khác của chính phủ Indonesia là giải quyết các rắc rối liên quan tới việc mất thị trường châu Âu.

Trong nhiều năm, Indonesia đã gặp phải nhiều rào cản xuất khẩu sang EU do khối này có các quy định riêng liên quan tới bảo vệ môi trường. Đặc biệt hồi tháng 12/2022, EU thông qua chính sách yêu cầu các nhà xuất khẩu chứng minh dầu cọ không liên quan tới nạn phá rừng, gây ra nhiều sự phản đối từ phía Indonesia và cả Malaysia. Các quốc gia này gọi động thái này là phân biệt đối xử và là các rào cản thương mại.

Ngoài ra, EU cũng có một chỉ thị về năng lượng tái tạo nhằm loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu làm từ dầu cọ vào năm 2030. Nhiều dự đoán, đặc biệt là từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy mức tiêu thụ dầu diesel sinh học ở Mỹ và Châu Âu sẽ tiếp tục giảm vào năm 2031. Trong bối cảnh nhu cầu từ nước ngoài sụt giảm, Indonesia sẽ cần tăng nhu cầu trong nước để bảo vệ giá.

Tuy nhiên trước mắt, nhu cầu dầu toàn cầu vẫn đang ổn định. Tại Ấn Độ, một trong những quốc gia tiêu dùng hàng đầu trong bối cảnh dân số tăng trưởng, nhu cầu dự kiến sẽ tăng gần 10% trong năm tài chính 2022/23. Tiêu dùng cũng có thể sẽ tăng trở lại ở Trung Quốc sau khi chính phủ kết thúc chính sách zero-Covid nghiêm ngặt và mở cửa đất nước.

Đọc tiếp