EU chạy đua thống nhất mức giá trần dầu Nga trong tuần này

dầu mỏ NGA
07:46 - 30/11/2022
0:00 / 0:00
0:00
Một nhà ngoại giao EU tiết lộ, các quốc gia Liên minh châu Âu đang hướng tới một thỏa thuận về việc áp giá trần dầu Nga trong tuần này và liên kết với một gói các lệnh trừng phạt mới đối với Moscow liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. 

Theo Reuters, hạn chót cho thỏa thuận là ngày 5/12, vì đó là khi lệnh cấm vận hoàn toàn của EU đối với xuất khẩu dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển - vốn được thống nhất vào cuối tháng 5, sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Mặc dù áp giá trần là một biện pháp mềm dẻo hơn do nhóm G7 đề xuất, thay thế kế hoạch cứng rắn hơn của EU để bảo vệ nguồn cung toàn cầu và ngăn chặn sự tăng giá, nhưng nó cũng đang gây ra sự bất đồng giữa 27 quốc gia EU vì những khác biệt.

Một nhà ngoại giao cấp cao EU tham gia vào các cuộc đàm phán cho biết: “Các cuộc tham vấn đã diễn ra từ tuần trước và chúng tôi đang tiến tới một thỏa thuận và ngày càng tiến gần hơn”.

Các nước EU chưa thống nhất quan điểm về mức giá trần áp đặt đối với dầu thô Nga xuất khẩu đường biển. Ảnh: Reuters

Các nước EU chưa thống nhất quan điểm về mức giá trần áp đặt đối với dầu thô Nga xuất khẩu đường biển. Ảnh: Reuters

Ngày 24/11, đại diện của các chính phủ EU lần đầu tiên đã tranh luận về mức giá trần dầu thô - mức giá đủ để Moscow tiếp tục bán, nhưng thu lại lợi nhuận nhỏ hơn nhiều.

Ủy ban châu Âu (EC) đã trình bày với các chính phủ EU về mức giá trần mà G7 đề xuất trong khoảng 65-70 USD/thùng. Tuy nhiên, con số này gây ra tranh cãi khi dường như quá thấp đối với một số nước, nhưng lại quá cao đối với một số nước khác

Ba Lan, Lithuania và Estonia đã từ chối đề xuất trên, vì cho rằng mức trần cần phải hạ xuống mức gần bằng với chi phí sản xuất của Nga, ước tính khoảng 20-25 USD/thùng. Ba nước đều ủng hộ mức giá trần 30 USD/thùng.

Theo lập luận của các nước này, do thị trường dầu mỏ toàn cầu đang thay đổi và giá dầu tăng cao là nguồn tài trợ của Nga trong cuộc chiến, nên mức giá trần không nên được ấn định sẵn mà phải là một công cụ linh hoạt, có thể được xem xét thường xuyên theo một cơ chế chưa được thống nhất.

Ba nước cũng đưa ra các giả định về doanh thu trong ngân sách Nga cho năm 2023 dựa trên giá dầu ở mức 65 USD/thùng. Do đó, việc áp giá ở mức độ do G7 đề xuất không ngăn cản được khả năng tài trợ cho cuộc chiến của Moscow. Thay vào đó, EU nên bù đắp về thỏa thuận này bằng cách áp dụng gói trừng phạt mới đối với Nga.

Điều này có thể liên quan đến việc thêm nhiều cá nhân Nga vào danh sách những người không thể vào EU và tài sản của họ ở EU sẽ bị đóng băng. Các hạn chế khác cũng được đề xuất như cấm nhiều cơ quan truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát phát sóng ở châu Âu, ngắt kết nối nhiều ngân hàng Nga hơn khỏi hệ thống thanh toán SWIFT toàn cầu và đưa ra các hạn chế xuất khẩu đối với nhiều sản phẩm của EU mà Nga có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Đồng tình với những yêu cầu này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuần trước cho biết cơ quan hành pháp của EU đang "làm việc hết tốc lực cho gói trừng phạt thứ chín".

Các đại diện của chính phủ EU sẽ nối lại các cuộc họp vào ngày 30/11 và 1/12 để đàm phán thường xuyên. Các nhà ngoại giao cho biết, giới hạn giá dầu chưa được thêm vào chương trình nghị sự của họ, nhưng vẫn có thể thúc đẩy tiến trình thỏa thuận. Ngoài ra, các cuộc họp giữa các nhóm nhỏ, giữa các nước EU và G7 cũng sẽ diễn ra để tìm một thỏa thuận trước ngày 5/12.

Tin liên quan

Đọc tiếp