'Đi từng ngõ, gõ từng nhà' để xây dựng dữ liệu nông sản

XUẤT KHẨU Nông Sản
15:18 - 09/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Để giải lời nguyền manh mún của nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần quyết liệt “ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để 0quản lý vùng dữ liệu nông sản.

Bày tỏ những lo lắng về tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản thời gian tới tại hội nghị Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản ngày 8/5, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chia sẻ, tuy kết quả xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2021 lập kỷ lục 48,6 tỷ USD, nhưng chưa thể yên tâm bởi sự phát triển ấy có dấu hiệu thiếu bền vững do sự chủ quan, lơ là từ địa phương, doanh nghiệp.

Dù đang năm 2022, nhưng các tỉnh, thành phố vẫn chỉ thống kê tình hình chỉ đạo sản xuất dựa trên diện tích vùng trồng, sản lượng dự kiến. “Một loạt các yếu tố liên quan đến lợi nhuận kinh tế như chi phí sản xuất ra thành phẩm, bản đồ vùng nguyên liệu, hay thời điểm mùa vụ... hầu hết đều áng chừng, ‘khoảng’, hoặc ‘có thể là’”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng bày tỏ sự trăn trở khi thấy những người gần gũi bà con nông dân nhất lại không thể khẳng định chất lượng nguyên liệu đầu vào để mời gọi doanh nghiệp đầu tư, đảm bảo quá trình thu mua cả vụ. Theo ông, nếu không thể chuẩn hóa toàn bộ từ HTX, vùng nguyên liệu, các chính sách hỗ trợ và tính liên kết vùng, thì lời nguyền “được mùa mất giá” vẫn sẽ không thể hóa giải được.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Cách làm theo kiểu ‘đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng’ hiện còn xa lạ ở nước ta, đặc biệt là những vùng nông sản trọng điểm. Chúng ta làm chính sách phải như doanh nghiệp đi bán hàng, bán tận tay và bằng mọi cách. Cán bộ ở sở có nắm được Zalo, Viber các nhà vườn không?Cần sớm chấm dứt tình trạng mù mờ thông tin về thị trường, và xây dựng thói quen sản xuất theo tín hiệu thị trường”.

Theo ông Hoan, trong quý II/2022, áp lực điều chỉnh với ngành nông nghiệp chưa đột biến. Thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, sản lượng các mặt hàng nông sản năm nay hầu như tương đương mọi năm, với duy nhất quả nhãn là tăng đột biến.

“Dù vậy, nếu không có biện pháp kịp thời, quá trình tiêu thụ nông sản có thể đi theo lối mòn, giống như việc xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2022 giảm khoảng 18% so với cùng kỳ. Nguyên nhân bởi Trung Quốc đóng nhiều cửa khẩu biên giới để duy trì chính sách zero covid”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Hình thành tư duy tiếp thị chính sách

Thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản tại hội nghị, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, rau củ quả xuất khẩu đang chiếm 10% trong sản lượng nông sản xuất khẩu. Trong đó Trung Quốc là thị trường quan trọng, chiếm 51% thị phần rau củ quả xuất khẩu của Việt Nam.

“Xuất khẩu tháng 3 – 4 có tăng trưởng nhưng sản lượng đã giảm 18% so với năm 2021 vì 2 tháng qua Trung Quốc đóng một số cửa khẩu. EU kiểm tra thanh long rốt ráo nên ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long, xoài vào châu Âu”, ông Hòa cho biết thêm.

Bên cạnh 8 loại quả truyền thống, măng cụt đang được thống nhất với Trung Quốc để xem xét hồ sơ đề nghị mở cửa nhanh thông quan. Nhưng phía đối tác phát hiện COVID-19 trên bao bì, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nhãn gốc bao bì cũng là một khó khăn cho xuất khẩu loại quả này.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hậu Giang đưa ra thông tin hiện nay tỉnh có diện tích trồng mít 8.890ha, sản lượng ước 90.000 tấn. Giá mít xuống thấp còn 6.000 đồng/kg với mít loại I, còn 4.000 đồng/kg với mít loại II, trong khi giá thành sản xuất mít là 5.000 đồng/kg.

Khó khăn này cũng được đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long phản ảnh khi tỉnh đang chưa tiêu thụ được mít và khoai lang.

Một ghi nhận khác về tình hình xuất khẩu chuối đang gặp vướng mắc đến từ tỉnh Đồng Nai khi tỉnh đang có 60.000 ha cây ăn quả đang thu hoạch, chủ yếu là chuối, nhưng giá chỉ có 5.000 đồng/kg.

“Các doanh nghiệp thu mua bằng đường biển nên chi phí tăng 3 lần so với đường bộ, mất 140 – 180 triệu đồng/container. Từ đó giá chuối giảm. Giá đầu tư cây chuối là 5.000 đồng/kg nên bù vừa đủ”, lãnh đạo Sở NN&PTNT Đồng Nai chia sẻ khó khăn.

Mỗi chính sách khi xây dựng phải đặt lợi ích của người dân vào trung tâm. Thay vì để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã phải tự đi hỏi, người làm chính sách phải đưa những quy định mới đến với càng nhiều người càng tốt, thay vì chỉ gửi công văn đi”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Trước những nguy cơ khó khăn do các tỉnh phản ánh tại hội thảo, để chủ động trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cả ngành nông nghiệp lẫn các Bộ, ban, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt để xây dựng một chương trình tiêu thụ nông sản bài bản.

“Để đạt lợi nhuận cao nhất khi bán sản phẩm, chúng ta phải nắm chắc trong tay mình có gì. Muốn vậy, mọi dữ liệu về năng suất, sản lượng, chi phí, mùa vụ, mã vùng trồng đều cần thông suốt", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bên cạnh các biện pháp tăng cường thông tin, truyền thông, người đứng đầu Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu mỗi cán bộ ngành nông nghiệp sớm hình thành tư duy "tiếp thị chính sách".

"Chúng ta đã nói nhiều đến kinh tế nông nghiệp, nhưng hình như, sự chuyển dịch mới chỉ nằm ở phía người sản xuất. Để quá trình đi nhanh hơn, xa hơn, hệ sinh thái bao trùm cũng phải được xây dựng theo cơ chế thị trường, trong đó bao gồm cả những cơ chế, chính sách", Bộ trưởng gợi mở.

Tin liên quan

Đọc tiếp