Cổ phiếu lao đao, vốn hóa ngành ngân hàng bốc hơi hơn 22 tỷ USD

Cổ Phiếu NGÂN HÀNG
07:42 - 04/10/2022
Cổ phiếu lao đao, vốn hóa ngành ngân hàng bốc hơi hơn 22 tỷ USD
0:00 / 0:00
0:00
So với cuối năm 2021, 27 mã ngân hàng đang giao dịch trên sàn đã giảm bình quân 34,3%, khiến vốn hóa toàn ngành mất hơn 530.430 tỷ đồng (tương đương 22,2 tỷ USD). Thậm chí, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã lùi về mức giá dưới 20.000 đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch đầu tháng 10 với diễn biến tiêu cực đưa VN-Index giảm sâu xuống 1.086,44 điểm và đẩy nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm 30 - 50% kể từ đầu năm, rơi về vùng giá thấp nhất trong gần 2 năm qua.

Mức giảm mạnh nhất là VBB của VietBank khi lao dốc hơn 54% so với cuối năm trước, xuống còn 8.800 đồng/cổ phiếu. Đây cũng mã có thị giá thấp nhất nhóm ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại.

BVB của Ngân hàng Bản Việt cũng giảm sâu 52% xuống còn 11.300 đồng/cổ phiếu, khiến vốn hóa bay hơi hơn một nửa xuống còn hơn 4.400 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu ngân hàng tên tuổi trên sàn HSX cũng mất gần một nửa thị giá so với cuối năm trước như OCB và SHB giảm 47%, MSB giảm 45%.

Một loạt mã ngân hàng khác cũng ghi nhận mức giảm trên dưới 40% như TPB giảm 42%; PGB, NAB giảm 41%; ABB, LPB, VIB, TCB giảm 40%; STB, VAB giảm 39%, CTG giảm 36%.

Ở chiều ngược lại, EIB và KLB là hai mã giảm ít nhất ngành ngân hàng khi chỉ mất lần lượt 1% và 2% so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra, VCB và BID cũng góp mặt ở danh sách cổ phiếu giữ giá tốt khi chỉ giảm 10% và 15%.

Tính chung, 27 mã ngân hàng đang giao dịch trên sàn đã giảm bình quân 34,3%, khiến vốn hóa toàn ngành mất hơn 530.430 tỷ đồng, tương đương 22,2 tỷ USD so với thời điểm cuối năm 2021.

Xét một góc độ khác, hiện có tới 17/27 mã ngân hàng có giá dưới 20.000 đồng/cổ phiếu. Những mã "hot" một thời như SHB cũng về mức 11.900 đồng/cổ phiếu , LPB chỉ còn 12.050 đồng/cổ phiếu, VPB giao dịch quanh ngưỡng 17.000 đồng/cổ phiếu, HDB về vùng 18.400 đồng/cổ phiếu.

Thậm chí, có đến 3 mã đã rơi xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu gồm ABB giảm 3% xuống 9.700 đồng/cổ phiếu, VAB và VBB giao dịch lần lượt tại mức 9.000 đồng/cổ phiếu và 8.800 đồng/cổ phiếu.

Trước đó vào thời điểm cuối tháng 5/2021, mặt bằng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức cao nhất khi không cổ phiếu ngân hàng nào có giá dưới 20.000 đồng. Những mã có thị giá thấp nhất trong nhóm cũng dao động trong khoảng 24.000-25.000 đồng/cổ phiếu. Nổi bật, VCB bứt phá giao dịch trên 100.000 đồng/cổ phiếu; VIB và VPB cũng leo lên trên 70.000 đồng/cp và hàng loạt mã trên dưới 50.000 đồng/cp như TCB, CTG, BID, ACB,…

Thực tế, có nhiều nguyên nhân có thể khiến thị giá của nhóm ngân hàng đã được điều chỉnh mạnh trong thời gian qua.

Thứ nhất, từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu, mức chia cổ phiếu là 20-30% và thậm chí 50%. Các đợt phát hành thêm hàng trăm triệu, hàng tỷ cổ phiếu khiến giá điều chỉnh mạnh. Nguồn cung cổ phiếu tăng mạnh cũng khiến thị trường không thể hấp thu kịp, dẫn đến cổ phiếu ngân hàng kém hấp dẫn.

Thứ hai, triển vọng ngành ngân hàng bị ảnh hưởng trước những lo ngại về nợ xấu gia tăng, xu hướng của thị trường trái phiếu, xu hướng thị trường tiền tệ thế giới...

Thứ ba, quyết định tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng của NHNN mới đây đã khiến các ngân hàng đã đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động - tăng giá nguồn vốn đầu vào của các ngân hàng. Trong khi đó, NHNN tiếp tục vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Nếu không tăng được lãi suất đầu ra tương ứng với phần lãi suất huy động đầu vào tăng thêm, biên lãi ròng (NIM) ngân hàng sẽ bị kéo giảm. Bên cạnh đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng sẽ hạ xuống, vì lãi suất tăng sẽ khiến cho dòng tiền nằm trên tài khoản thanh toán tìm đến các kênh tiền gửi có kỳ hạn.

Triển vọng nào cho cổ phiếu ngân hàng?

Hiện tại, định giá ngành ngân hàng đã xuống mức thấp với PB 2022 trung vị 1,3 lần - thấp hơn 35% so với mức trung bình 3 năm là 2 lần với phần lớn các cổ phiếu ngân hàng đều có PB dưới 1,5.

Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia phân tích Chứng khoán VNDirect đã đưa ra đánh giá thận trọng với triển vọng ngắn hạn của cổ phiếu ngân hàng. Khó khăn được dự báo sẽ tiếp tục bủa vây nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu.

Những lo ngại của thị trường về lạm phát và nợ xấu gia tăng đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư đối với triển vọng ngành ngân hàng kể từ đầu năm. Tâm lý thị trường đối với nhóm ngân hàng còn bị ảnh hưởng hơn khi thị trường vốn bắt đầu chịu sự giám sát chặt chẽ hơn để cải thiện tính minh bạch và bền vững của thị trường vốn trong dài hạn, VNDirect dự báo.

Cũng theo VNDirect, việc NHNN tăng lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán vốn đang èo uột xuống mức thấp thứ 2 kể từ đầu năm 2021 chỉ sau giai đoạn thị trường xuống đáy hồi tháng 7.

Trong khi đó, với tổng khối lượng lưu hành khoảng 53,7 tỷ cổ phiếu, nhóm ngân hàng cần dòng tiền rất lớn để có thể đủ sức hấp thụ hết nguồn cung này. Vì vậy, thanh khoản ngành ngân hàng ngày càng èo uột.

Tuy nhiên, VNDirect tin rằng các ngân hàng sẽ đủ khả năng để vượt qua khó khăn này nhờ chất lượng tài sản vững chắc và khả năng kiểm soát tốt đối với các mảng cho vay rủi ro cao.

Đồng quan điểm, trong báo cáo nhận định ngành ngân hàng vừa công bố, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Tại phiên họp trước đó ngày 22/9, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN xem xét tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động nhưng lại cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Yuanta dự báo NIM toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng. Các ngân hàng có tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động) thấp như là HDBank, MSB, VIB, VPBank, hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp như là ACB, HDBank, MSB, VPBank sẽ ít chịu áp lực về NIM hơn.

Đặc biệt các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như Techcombank, MB, và Vietcombank sẽ chống chịu tốt hơn trước tác động của xu hướng gia tăng chi phí vốn.

Đọc tiếp