Chuyên gia: Nợ xấu là vấn đề chung của nền kinh tế, không chỉ với ngân hàng

NỢ XẤU NGÂN HÀNG
18:25 - 13/07/2022
Chuyên gia: Nợ xấu là vấn đề chung của nền kinh tế, không chỉ với ngân hàng
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, nợ xấu là vấn đề chung của nền kinh tế và việc tháo gỡ nợ xấu không chỉ giúp khơi thông ngành ngân hàng mà còn là động lực để phát triển nền kinh tế.

Theo báo cáo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, tính đến ngày 31/12/2021, tức sau gần 5 năm áp dụng Nghị quyết 42, tổng số nợ xấu đã xử lý được đạt 380.200 tỷ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Trong đó, khách hàng trả nợ đạt 148.000 tỷ đồng, chiếm tới gần 40% tổng số nợ xấu đã được xử lý. Số còn lại đến từ việc áp dụng các chính sách thí điểm xử lý nợ xấu quy định tại Nghị quyết số 42.

Tại Toạ đàm “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 13/7, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết, mặc dù hiện nay nợ xấu nội bảng chỉ đang ở mức khoảng 1,4%, nhưng tháng 6 vừa qua Thông tư 14 đã hết hiệu lực đồng nghĩa với việc những khoản lẽ ra không phải chuyển nhóm nợ sẽ phải chuyển nhóm. Như vậy nợ xấu sẽ tăng.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực dự báo, nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%. “Nếu không luật hóa Nghị quyết 42 thì tạo ra khoảng trống rất lớn về pháp lý, gây khó khăn hơn nữa trong xử lý nợ xấu”, ông Lực nhấn mạnh.

Sáu lý do cần luật hóa Nghị quyết 42

Theo đó, tại toạ đàm, TS Cấn Văn Lực đã chỉ ra 6 lý do cần luật hóa Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Thứ nhất, Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả rất tốt trong thời gian vừa qua. Nhờ thế mà nợ xấu giảm rõ rệt. Đặc biệt, nếu không có dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 và 2021 thì sứ mệnh đưa nợ xấu gộp xuống dưới 3 % đã hoàn thành cuối năm 2020.

Thứ hai, còn một số vướng mắc trong xử lý nợ xấu bộc lộ trong thời gian thực hiện Nghị quyết 42 cần phải xử lý nốt trong thời gian được gia hạn. Sau đó, khi luật hóa xử lý nợ xấu thì phải lưu ý các vướng mắc đó để không lặp lại.

Thứ ba, nợ xấu là vấn đề liên tục. Theo ông Lực, bản chất hoạt động của ngân hàng cũng là một hình thức kinh doanh, đã là kinh doanh thì rủi ro luôn luôn tiềm ẩn. Thực tế các ngân hàng nước ngoài thường chấp nhận tỷ lệ rủi ro nợ xấu khoảng 2-3 % bởi nợ xấu liên tục xảy ra chứ không phải chỉ xuất hiện trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Theo đó, phải có một khung pháp lý để tránh tình trạng cộng dồn, tích tụ tạo nên những nguy cơ, những điểm tắc nghẽn cho kinh tế quốc gia.

Thứ tư, luật hoá Nghị quyết 42 là góp phần hoàn thiện thể chế, tăng tính hiệu lực, hiệu quả cho pháp luật. Hiện nay, quy mô nợ xấu tuyệt đối đã thay đổi rất lớn. Nếu không luật hóa xử lý nợ xấu mà lại quay trở về dùng những luật cũ ví dụ Luật dân sự, Luật doanh nghiệp thì sẽ gây ra nhiều lúng túng và chồng chéo.

Thứ năm, nhìn từ kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới, Viện Nghiên cứu, đào tạo BIDV nhận thấy ở các nước không cần có luật riêng về xử lý nợ xấu bởi luật pháp của họ rất mạnh, tính hiệu lực, hiệu quả rất rõ rệt. Trong khi đó, theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, hệ thống luật pháp của Việt Nam còn chồng chéo và tính hiệu lực, hiệu quả không cao. Chính vì vậy, Việt Nam cần xây dựng giải pháp đặc thù.

Thứ sáu, việc luật hoá Nghị quyết 42 sẽ góp phần khắc phục bất cập, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu; qua đó, tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan và nền kinh tế.

Trong khi đó, nêu quan điểm tại tọa đàm về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV cho rằng, nên nhìn kỹ Nghị quyết 42 mang đến những tác động khác, vượt xa ngoài những con số. Câu chuyện không còn là xử lý nợ xấu mà là tăng hiệu quả sử dụng tài sản nói chung và sớm đưa vào nền kinh tế. Từ đó, sẽ giúp ích cho cả cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cả ngân hàng và những người vay nợ trực tiếp.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC), cho rằng Nghị quyết 42 là văn bản pháp lý cao nhất đối với hoạt động xử lý nợ xấu ở ngân hàng.

Trong đó có rất nhiều các quy định ưu việt, như vấn đề liên quan tới xử lý việc thanh toán đối với số tiền thu hồi từ việc xử lý tài sản đảm bảo, vấn đề về nợ sang bồi thường cá nhân không giới hạn đối với công ty có chức năng mua bán nợ; vấn đề về cho phép chuyển nhượng các dự án bất động sản; vấn đề phải xử lý tài sản đảm bảo, vấn đề về phân bổ lãi dự thu; vấn đề về thu giữ tài sản…

“Những nội dung đó ở trong Nghị quyết 42 nêu rất rõ và có thể nói, đóng góp rất lớn trong kết quả xử lý nợ xấu ngành ngân hàng trong thời gian qua”, đại diện VAMC cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Nam, dường như việc xử lý nợ xấu là trách nhiệm riêng của ngành ngân hàng mà chưa nhận được sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, các địa phương.

Ảnh tác giả

"Chúng ta phải nhìn nhận đây là nợ xấu chung của nền kinh tế và việc tháo gỡ nợ xấu không chỉ giúp khơi thông ngành ngân hàng mà còn là động lực để phát triển nền kinh tế."

Ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC)

Cần thúc đẩy quá trình thực thi, sớm luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu

Theo đó, từ góc độ ngân hàng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng nêu ý kiến, quá trình kéo dài Nghị quyết 42 nhằm tạo ra một lộ trình, từ đó hoàn thiện những khuôn khổ pháp lý để khi Nghị quyết 42 kết thúc thì có thể ban hành luật xử lý nợ xấu. Hay nói đúng hơn là cần phải hoàn thiện khung khổ pháp lý sau khi Nghị quyết 42 chấm dứt thí điểm.

Do đó, trước mắt, ngành ngân hàng phải khẩn trương rà soát, đánh giá, tổng kết Nghị quyết 42, những khó khăn, vướng mắc và những quy định pháp luật mà tự ngành ngân hàng có thể tự bổ sung sửa đổi rồi xem xét sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực đề xuất cần phải có một chương trong Luật Tổ chức tín dụng về vấn đề nợ xấu như Quốc hội đã có yêu cầu trong thời gian vừa qua kế thừa Nghị quyết 42.

Ngoài ra, ông Lực cho rằng còn phải luật hoá những gì chưa được như mong muốn ở Nghị quyết 42 bởi luật vẫn là công cụ rất mạnh.

Bên cạnh đó, cần chuẩn hoá về mặt ngôn từ tránh để đến lúc triển khai thực hiện xảy ra vướng mắc. Trong nội dung của dự thảo cũng phải giải quyết những vướng mắc có trong nghị quyết 42 trong thời gian vừa qua.

Song song với đó, cần sửa đổi luật lệ có liên quan đảm bảo tính đồng bộ. Chuyên gia kỳ vọng khi bàn thảo sửa đổi ba luật quan trọng như Luật đất đai, Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải vào cuộc, trong quá trình thảo luận những vấn đề liên quan đến tổ chức tín dụng cần đề nghị sửa ngay.

Đặc biệt, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận, ở Việt Nam, mối quan hệ giữa bên đi vay và cho vay không được bình đẳng khi có thiên hướng ủng hộ bên đi vay nhiều hơn.

Ảnh tác giả

"Khi xử lý nợ xấu đưa ra toà thì tổ chức tín dụng luôn bị coi là “tội phạm”. Nếu vấn đề này nếu không xử lý bằng chuyện luật hoá thì sẽ mãi là một câu chuyện không giải quyết được."

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu cũng cho rằng để xây dựng khung pháp lý về nợ xấu, việc đầu tiên là cần đề cao, phải tôn trọng, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cả hai bên - ngân hàng và cả những người đi vay nợ. Đây là quyền và lợi ích hợp pháp đều phải được bảo đảm, chứ không đề cao ai hơn ai.

Theo ông Hiếu, dù chưa rõ ràng hình hài khung pháp lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc nhưng việc đầu tiên là phải đề cao, phải tôn trọng, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cả hai bên - ngân hàng và cả những người đi vay nợ. Đây là quyền và lợi ích hợp pháp đều phải được bảo đảm, chứ không đề cao ai hơn ai.

Tin liên quan

Đọc tiếp