Các ngân hàng, công ty chứng khoán mua lại lượng lớn trái phiếu trước hạn

TRÁI PHIẾU NGÂN HÀNH
08:16 - 24/02/2023
Các ngân hàng, công ty chứng khoán mua lại lượng lớn trái phiếu trước hạn
0:00 / 0:00
0:00
Giữa làn sóng khất nợ cũng như trễ hẹn trả lãi trái phiếu, các ngân hàng và công ty chứng khoán đang dồn dập mua lại trái phiếu trước hạn.

Theo thống kê của Mekong ASEAN từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), chỉ trong 3 ngày kể từ 21/2, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) đã có 26 lần công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn.

Trong đó, chủ yếu là những lô trái phiếu phát hành năm 2019, 2020 với kỳ hạn 7 năm, đồng nghĩa phải đến 2026, 2027, các lô trái phiếu này mới đáo hạn. Tuy nhiên, TPBank đã bỏ ra 1.003,9 tỷ đồng mua lại loạt trái phiếu trước hạn này.

Trong năm 2022, với việc tăng lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ, TPBank trở thành một trong 4 ngân hàng nắm tới gần 1 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2022, lượng trái phiếu doanh nghiệp của TPBank đang đứng ở mức 21.600 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021.

Ngoài TPBank, ngày 23/2, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank, UpCOM: BVB) cũng công bố mua lại toàn bộ lô trái phiếu BVBLH2128004, tổng giá trị 100 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu phát hành ngày 18/11/2021, kỳ hạn 7 năm. Vừa qua, Bản Việt còn mua lại 4 lô trái phiếu khác, phát hành trong các năm 2020, 2021.

Ở nhóm các công ty chứng khoán, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ngày 23/2 cũng công bố mua lại toàn bộ lô trái phiếu VDSH2224003, và một phần lô VDSH2223005. Tổng giá trị trái phiếu được mua lại là hơn 22,2 tỷ đồng. Lô trái phiếu VDSH2224003 sẽ đáo hạn vào tháng 9/2024, lô còn lại đáo hạn vào 7/2023.

Trước đó, ngày 10/2, VDSC cũng tiến hành mua lại 2 lô trái phiếu VDSH2123001 phát hành T10/2021 và VDSH2223005 phát hành T7/2022, dự kiến đáo hạn lần lượt vào T10 và T7/2023. Giá trị trái phiếu mua lại là 800 triệu đồng.

Tính trong tháng 2/2023, CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCSC) ngày 10/2 vừa qua cũng đã tiến hành mua lại 169,6 tỷ đồng trong số 170,3 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô TCSH2126002 và 113,9 tỷ đồng trong số 227,7 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô TCSH2126003. Hai lô trái phiếu này đều dự kiến đáo hạn trong T6/2026.

Nếu tính từ đầu năm 2023, TCBS đã có 4 lần tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn. Nếu tính rộng ra từ tháng 12/2022, TCBS đã có tới 9 lần thực hiện điều này với tổng giá trị hơn 1.243 tỷ đồng.

Nói thêm về tình hình mua lại trái trước hạn trong đầu năm nay, theo thống kê của FiinRatings, hoạt động mua lại diễn ra theo đúng xu hướng được quan sát trong những năm qua, với lượng mua lại tăng vọt vào cuối các bán niên và giảm mạnh vào đầu năm.

Tháng 1 ghi nhận quy mô trái phiếu mua lại trước đáo hạn đạt 8.900 tỷ đồng, tương đương 18,8% so với tháng trước và tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Theo nhóm phân tích FiinRatings, xu hướng trên phụ thuộc nhiều vào hoạt động hỗ trợ thanh khoản từ hệ thống tổ chức tín dụng, với quy mô mua lại lẻ tẻ quanh năm và tăng vọt vào tháng 6 và tháng 12, đây là hai thời điểm chốt báo cáo bán niên và báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp.

Sửa đổi Nghị định 65 giải tỏa áp lực đáo hạn cho doanh nghiệp

Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA), năm 2023 sẽ có khoảng 285.178 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Áp lực đáo hạn lớn rơi vào quý II và quý III. Việc các doanh nghiệp chủ động mua trái trái phiếu trước hạn sẽ giúp làm giảm bớt áp lực này.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính mới đây đã có tờ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ với nhiều kỳ vọng sẽ cho phép gia hạn nợ và trả nợ trái phiếu bằng tài sản khác như bất động sản.

Cụ thể, dự thảo quy định doanh nghiệp được thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác. Theo đó, với trái phiếu chào bán trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi theo phương án đã công bố thì doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.

Thứ hai, dự thảo Nghị định cho phép doanh nghiệp phát hành được đàm phán để kéo dài kỳ hạn trái phiếu. Theo đó, với trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu, dự thảo quy định thời hạn tối đa không quá hai năm so với phương án phát hành đã công bố với nhà đầu tư. Đối với trái chủ không chấp nhận thay đổi điều kiện, điều khoản của TPND thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Đọc tiếp