Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực ngân hàng, giao dịch điện tử

Tiêu dùng QUỐC HỘI
16:05 - 20/06/2023
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực ngân hàng, giao dịch điện tử
0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và trong giao dịch điện tử.

Với 463/465 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 93,72% tổng số đại biểu, ngày 20/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này trước khi các đại biểu bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật gồm 7 chương, 80 điều, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2024.

Qua thảo luận ở hội trường trước đó, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng khi chưa có một luật riêng về lĩnh vực này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay. Bên cạnh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối với những lĩnh vực đặc thù cần có các quy định của pháp luật chuyên ngành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi đã có quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung. Đồng thời có các quy định liên quan như các quy định về bảo vệ, thu thập, sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng. Về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù; về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

UBTVQH cũng nêu rõ, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, do đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và trong giao dịch điện tử.

Báo cáo giải trình cũng cho biết, có ý kiến cho rằng những cá nhân, tổ chức không chủ động thực hiện giao dịch, ví dụ như nhận được các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn quấy rầy. Trường hợp này, những người nhận những tin nhắn, thông tin về các giao dịch có được coi là người tiêu dùng và được pháp luật bảo vệ hay không?

UBTVQH thấy rằng dự thảo Luật đã có quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc đề nghị giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

Do vậy, các chủ thể tiếp nhận thông tin trong trường hợp này được coi là người tiêu dùng và được bảo vệ theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Giao dịch trị giá dưới 100 triệu đồng được giải quyết theo thủ tục rút gọn

Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 70 đã được chỉnh lý, hoàn thiện. Theo đó, quy định này đã khẳng định rõ vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ cần có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không cần đáp ứng bất cứ điều kiện nào khác. Tòa án giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đối với các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khác ngoài trường hợp nêu trên thì sẽ giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đồng thời, để bảo đảm tính xuyên suốt, liền mạch và thuận tiện trong tra cứu, áp dụng văn bản pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Điều 78 được chỉnh lý theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Điều 73 dự thảo Luật đã quy định Tòa án có thẩm quyền quyết định tiền bồi thường thiệt hại và đối tượng thụ hưởng trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích công cộng tại bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, Tòa án không thể phán quyết việc sử dụng tiền bồi thường.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong trường hợp này, tiền bồi thường thiệt hại được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Chính phủ, không giao trực tiếp cho tổ chức xã hội khởi kiện vì còn nhiều quy định khác liên quan đến vấn đề này. Việc giao Chính phủ quy định chi tiết là có căn cứ, phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Đọc tiếp