Báo cáo ngành hoá chất: Động lực tăng trưởng năm 2023 sẽ đến từ cắt giảm chi phí sản xuất

DGC hoá chất
06:00 - 15/09/2022
Dây chuyền sản xuất tại Hoá chất Đức Giang.
Dây chuyền sản xuất tại Hoá chất Đức Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Triển vọng kinh doanh của ngành hóa chất phụ thuộc nhiều vào biến động của giá cả hàng hóa. Mặc dù các loại hàng hóa vừa trải qua một giai đoạn điều chỉnh nhưng hầu hết hóa chất đã thiết lập được một mặt bằng giá mới cao và sẽ khó giảm tiếp .

Đó là nhận định của các chuyên gia phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) trong báo cáo triển vọng ngành hoá chất.

Theo BSC, trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp hóa chất cơ bản đã được hưởng lợi nhờ giá cả hàng hóa trên thế giới tăng cao so với cùng kỳ, bắt nguồn từ nhu cầu cao do hoạt động sản xuất tiếp tục hồi phục sau dịch và nguồn cung bị thắt chặt do chiến sự Nga – Ukraina.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc (thị trường sản xuất các sản phẩm hóa chất lớn trên thế giới và có xuất khẩu vào Việt Nam) tiếp tục chủ trương phong tỏa phòng chống Covid-19, tiến hành các chính sách như cấm xuất khẩu một số mặt hàng, cắt giảm sản lượng… cũng đã làm tăng mặt bằng giá bán chung các mặt hàng hóa chất tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Các doanh nghiệp hóa chất cơ bản như DGC (Hoá chất Đức Giang), CSV (Hoá chất Cơ bản miền Nam), DDV (Vinachem)… đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm, với biên lợi nhuận gộp đạt mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Trái với các doanh nghiệp hóa chất cơ bản được hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng, trong 6 tháng đầu năm, nhóm hoá chất thuộc danh mục sản phẩm đến người tiêu dùng cuối như PAC (Pin Ắc quy Miền Nam), LIX (Bột giặt LIX) bị ảnh hưởng, một phần do giá cả hàng hóa tăng cao vì đây là nguyên liệu đầu vào sản xuất của các doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, sang quý 2/2022, giá hàng hóa trải qua đợt điều chỉnh giảm đã hỗ trợ một phần kết quả kinh doanh, giúp cho tốc độ tăng trưởng nhóm này vẫn ở mức hai chữ số.

BSC cho rằng, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp hóa chất phụ thuộc nhiều vào biến động của giá cả hàng hóa. Mặc dù các loại hàng hóa đều đã trải qua một giai đoạn điều chỉnh nhưng hầu hết các loại hóa chất đã thiết lập được một mặt bằng giá mới cao và sẽ khó giảm tiếp do nhu cầu tăng dần vào cuối năm (vào mùa tiêu thụ), nguồn cung bị thắt chặt vì chiến sự Nga – Ukraina và Trung Quốc phong tỏa Covid.

BSC phân tích triển vọng ngành sâu hơn từ giá bán đầu ra cũng như nguyên liệu đầu vào:

Các sản phẩm hóa chất liên quan đến sản phẩm đầu ra là phốt pho vàng (P4), phân bón DAP và xút.

Phốt pho vàng là sản phẩm xuất khẩu chính của DGC. Hai tuần trở lại đây, giá P4 tại Trung Quốc tăng 25% từ mức đáy 26.500 CNY (Nhân dân tệ) lên 33.250 CNY (vẫn giảm 18% so với trước đợt điều chỉnh), chủ yếu do hạn hán ở Tứ Xuyên (chiếm 20% công suất P4 ở Trung Quốc). Tuy nhiên, Tứ Xuyên đã có mưa và nguồn điện cung cấp cho công nghiệp đã khôi phục lại. BSC đánh giá hiện giá P4 tại Trung Quốc sẽ đi ngang trước khi có thể tăng nhẹ vào cuối năm do vào mùa tiêu thụ chính.

Phân bón DAP là sản phẩm đầu ra từ gốc phốt pho (sau khi sản xuất ra axit phosphoric trích ly), là sản phẩm của DGC và DDV. Trái với Ure, quy trình sản xuất DAP không phụ thuộc nhiều vào giá khí tự nhiên do chủ yếu dùng điện. Do đó, giá của phân bón DAP thế giới trong thời gian qua vẫn đi ngang sau khi điều chỉnh giảm 25%. Tại Việt Nam, giá xuất khẩu DAP đến tháng 6 đã có điều chỉnh giảm và BSC cho rằng giá tiếp tục giảm trong tháng 7 và sau đó đi ngang như diễn biến giá thế giới.

Xút là sản phẩm đầu ra của CSV. Giá xút nội địa phụ thuộc nhiều vào giá xút từ Trung Quốc do Trung Quốc xuất khẩu khoảng 40% nhu cầu xút tại Việt Nam. Từ cuối tháng 6, giá xút Trung Quốc giảm 15%, quanh mức 1.064 CNY và tiếp tục duy trì ở mức này.

BSC kỳ vọng giá xút nội địa tại Việt Nam không điều chỉnh giảm quá nhiều như các loại hàng hóa khác.

Các sản phẩm hóa chất liên quan đến nguyên liệu đầu vào là chì, lưu huỳnh.

BSC cho rằng với nhóm các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm hóa chất làm nguyên liệu đầu vào sẽ hưởng lợi một phần nhờ việc giá cả hàng hóa giảm trong giai đoạn vừa qua. Ngoài ra, mức nền thấp của 6 tháng cuối năm 2021 cũng là yếu tố giúp đảm bảo tốc độ tăng trưởng.

Chì là nguyên liệu đầu vào của PAC, chiếm khoảng 60 – 70% cơ cấu giá vốn. Giá chì trên thế giới ghi nhận đợt giảm do lo ngại nhu cầu sụt giảm Trung Quốc tiếp tục phong tỏa, hiện đang giảm 19% so với mức giá đỉnh hồi tháng 3.

Lưu huỳnh là nguyên liệu đầu vào của CSV, cùng với muối công nghiệp chiếm khoảng 30% cơ cấu giá vốn. Giá lưu huỳnh tại Trung Quốc giảm mạnh 71% xuống 1.170 CNY và loanh quanh mức đáy do nguồn cung lưu huỳnh trên thế giới mở rộng.

Đối với triển vọng kinh doanh của ngành này năm 2023, BSC cho rằng mức nền cao đang là thách thức lớn nhất với doanh nghiệp hóa chất. Trong bối cảnh giá cả hóa chất chưa có động lực rõ ràng để có thể vượt vùng giá đỉnh của năm 2022, động lực tăng trưởng sẽ đến từ cắt giảm chi phí sản xuất (phát triển theo chiều dọc) hoặc mở rộng đầu tư các sản phẩm truyền thống và mới (phát triển theo chiều ngang).

BSC nhận thấy các doanh nghiệp hóa chất tư nhân sẽ có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp Nhà nước trong việc mở rộng đầu tư phát triển.

Về định giá các cổ phiếu hóa chất, BSC cho biết hầu hết các doanh nghiệp trong ngành trên sàn hiện đang được giao dịch quanh/dưới mức P/E trung bình 5 năm do kết quả kinh doanh hai quý đầu năm 2022 tăng trưởng đột biến và giá cổ phiếu chịu sự điều chỉnh chung của thị trường trong thời gian vừa qua.

Tin liên quan

Đọc tiếp